Du lịch Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những nét hoang sơ vô cùng kỳ thú với núi rừng hùng vĩ, ngoài không khí trong lành, cảnh sắc đẹp như tranh vẽ và ẩm thực siêu ngon, bạn còn có cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm độc đáo về văn hoá của vùng đất Tây Bắc này. Hãy cùng bỏ túi ngay những kinh nghiệm du lịch Cao Bằng tự túc sau đây để khám phá những nét độc đáo không thể bỏ lỡ của vùng đất này nhé!
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc), đường biên giới dài trên 333 km, phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Theo chiều Bắc – Nam 80 km (từ xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm đến xã Quang Trọng, huyện Thạch An). Theo chiều Đông – Tây 170 km (từ xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang đến xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm).
Cao Bằng sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa giá trị như khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích chiến dịch biên giới Đông Khê. Thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thăng Hen; khu rừng sinh thái đặc dụng Phja Oắc-Phja Đén…Với sự đa dạng, phong phú về tài nguyên thiên nhiên và một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, Cao Bằng là một trong những địa điểm du lịch các bạn nên khám phá.
Ở Cao Bằng, mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng. Nếu chưa từng đến đây, thì dù bạn đi du lịch mùa nào Cao Bằng cũng mang đến cho bạn những cảm nhận mới mẻ và vô cùng đặc biệt.
Tuy vậy, theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng của những người đi trước, Cao Bằng thu hút du khách nhất vào hai thời điểm trong năm. Với những người muốn ngắm thác Bản Giốc đổ dài con nước và trong xanh tuyệt đẹp sẽ chọn thời điểm tháng 8-9 hàng năm. Tháng 11-12 là khi Cao Bằng cũng ngợp trời hoa tam giác mạch và dã quỳ vàng rực các cung đường.
Mùa hè nắng nóng có thể khiến tour du lịch của bạn có phần mệt mỏi. Vậy nhưng, du lịch Cao Bằng mùa hè không phải không có sự thú vị riêng của nó. Bạn có thể trốn nắng ở nơi núi rừng bạt ngàn, ngồi hóng gió ngắm suối reo cá nhảy. Đặc biệt hơn, mùa hè cũng là mùa mận chín thơm khắp núi rừng Cao Bằng. Bạn sẽ tha hồ thưởng thức mận rừng và các loại quả mùa hè ở miền biên ải này.
Cao Bằng có địa hình tương đối phức tạp. Hệ thống giao thông hiện nay chỉ có đường bộ, gồm bốn tuyến quốc lộ: 3, 4A, 34 và 4C trong đó có quốc lộ 3 và quốc lộ 4 đã được cải tạo, nâng cấp. Đến nay, hệ thống giao thông tạm đáp ứng tốt các nhu cầu vận tải hành khách.
Nếu bạn du lịch Cao Bằng bằng xe khách thì bạn chỉ cần ra bến xe Mỹ Đình để đón xe đi Cao Bằng. Mỗi ngày có khoảng 3 chuyến xe chạy tuyến Mỹ Đình – Cao Bằng, và cả 3 tuyến này đều chạy buổi tối, giá vé khoảng 180,000đ - 200,000đ /người /chiều (tùy từng nhà xe).
Khi đến bến xe Cao Bằng, bạn bắt tiếp xe lên Bản Giốc hoặc Trùng Khánh rồi thuê xe tự lái hoặc xe ôm, taxi đến Bản Giốc. Tuy nhiên, các bạn nên đi thẳng từ bến xe Cao Bằng lên Bản Giốc cho gần, chứ Trùng Khánh cách Cao Bằng 65km và Bản Giốc 20km, đi lại tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Một số hãng xe từ Hà Nội đi Cao Bằng:
Nếu bạn là người ưa thích trải nghiệm và khám phá thì hãy chọn cung đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên bởi đây là một cung đường khá đẹp. Tuy nhiên đường lên Cao Bằng có khá nhiều đèo dốc quanh co và có nhiều xe tải cỡ lớn, nên bạn cùng không nên mạo hiểm bằng xe máy nếu như không có một người bạn đồng hành dày dặn kinh nghiệm cùng đi. Khi đi bằng xe máy, tuyệt đối bạn đừng bao giờ lấn đường để giữ an toàn trong hành trình chinh phục và khám phá của mình.
Đường lên Cao Bằng chỉ duy nhất là đường bộ. Có 3 lộ trình để bạn đến với Cao Bằng:
Thiên nhiên đã ban tặng cho Cao Bằng nhiều núi cao, sông hồ, thác nước và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ rất thích hợp với du lịch ngoạn cảnh, nghỉ ngơi. Cao Bằng cũng chính là cái nôi của Cách mạng Việt Nam, hãy cùng khám phá cẩm nang du lịch Cao Bằng chi tiết những địa điểm hấp dẫn này nhé!
Thác Bản Giốc, Trung Quốc gọi là cặp thác Đức Thiên-Bản Ước (tiếng Trung: 德天-板約; bính âm: Détiān – Bǎnyuē), là một hoặc hai thác nước nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Thác nước này cách huyện lỵ Trùng Khánh khoảng 20 km về phía đông bắc, cách thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây khoảng 208 km.
Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn (歸春河, âm Hán Việt là “Quy Xuân hà”). Sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thuỷ, dòng sông lượn quanh dưới chân núi Cô Muông rồi qua các cánh đồng của Đàm Thuỷ, qua bãi ngô trên bản Giốc, quay trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh. Lòng sông ở đó đột ngột trụt xuống khoảng 35 m, tạo thành thác Bản Giốc. Sau khi đổ xuống chân thác, sông quay hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc.
Thác Bản Giốc Cao Bằng là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia (Sau thác Iguazu giữa Brasil – Argentina, thác Victoria nằm giữa Zambia – Zimbabwe; và thác Niagara giữa Canada và Hoa Kỳ)
Truyền thuyết kể rằng, có người con gái đẹp tuyệt trần được tiến vua nhưng liều mình trốn thoát cùng người mình yêu. Sau khi tìm được nhau, họ cùng chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Dân bản chứng kiến trời đổ mưa tầm tã cả tuần liền. Nước ngập khe suối, không ai dám ra ngoài vì mưa to kèm sấm sét dữ dội. Kỳ lạ thay, khi mưa tạnh, người ta thấy có hai ngọn thác lớn đổ nước trắng xóa phía bên cạnh bản. Dưới chân thác, mặt nước lại trong xanh hiền hòa như không vướng víu bụi trần. Kể từ đó, người dân gọi nơi đây là thác Bản Giốc để tưởng nhớ về một thời gái bản tiến vua, cũng là niềm tự hào của người Tày với sắc đẹp trời ban.
Thác Bản Giốc, ngọn thác ào ào chảy bên những thửa ruộng chín vàng ban ngày và bầu trời sao ban đêm, tạo khung cảnh ấn tượng giữa núi rừng hùng vĩ.
Tháng 9, tháng 10 là thời gian lý tưởng du lịch thác Bản Giốc, khi nước nhiều mà trong xanh, các dòng thác tuôn chảy tung bọt trắng xóa. Mùa này, nước dòng Quây Sơn có màu ngọc bích trong tiết trời vào thu. Trên mặt sông, hơi nước hình thành một khoảng sương mù, khi soi rọi dưới ánh nắng mang đến khung cảnh huyền ảo. Thời gian này cũng là mùa lúa chín bên thác Bản Giốc đã chín vàng cả một vùng.
Tại thác, du khách có thể thuê bè tre của người dân để tham quan xung quanh, với giá khoảng 50,000đ /người.
Về đêm thác Bản Giốc đẹp lung linh đầy sao trời sáng lấp lánh như những dải ngân hà.
Lễ hội du lịch thác Bản Giốc Cao Bằng vừa diễn ra trong hai ngày 5 và 6/10. Chương trình có các hoạt động như Lễ hội ánh sáng thác Bản Giốc tại khu vực chân thác (tối 5/10); Lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa tại chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (sáng 6/10); trưng bày gian hàng giới thiệu sản vật, đặc sản, văn hóa ẩm thực của địa phương...
Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, nằm sát biên giới Việt – Trung, cách thành phố Cao Bằng hơn 50km. Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc qua cột mốc 108. Người đã chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong nhiều năm tháng của những năm 1941 – 1945. Tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện về chính trị và quân sự cho các cán bộ cách mạng tỉnh Cao Bằng, dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô ra tiếng Việt, soạn thảo và xuất bản các tài liệu cách mạng: Lịch sử nước ta, Địa dư Bắc Kỳ, Địa dư Cao Bằng; tài liệu huấn luyện quân sự: Cách đánh du kích, Kinh nghiệm du kích Nga, Kinh nghiệm du kích Tàu…
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, Khu di tích lịch sử Pác Bó trở thành một trong những khu di tích quan trọng của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Sau khi Bác mất năm 1969, để tỏ òng thành kính đối với công lao vĩ đại của Bác và để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư, tôn tạo Khu di tích để phục vụ khách tham quan. Tháng 2 /1971, Nhà bảo tàng Pác Bó được khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu.
Ngày 21/02/1975, Khu di tích Pác Bó đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử cách mạng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng Khu di tích vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Khu di tích Pác Bó vẫn duy trì hoạt động, công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ngày càng được quan tâm, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan khu di tích ngày càng đông…
Tạm quên những bãi biển trải dài, đầy nắng, suối Lê-Nin ở Cao Bằng sẽ giúp bạn thư giãn đúng nghĩa với khung cảnh xanh mát, nên thơ.
Cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 50 km về phía Bắc, suối Lê-Nin thuộc di tích lịch sử Pác Pó, huyện Hà Quảng. Khung cảnh hoang sơ, thơ mộng nơi đây ngày càng thu hút khách du lịch ghé tham quan.
Con suối với làn nước trong vắt tạo nên một không gian ấm áp, tràn ngập vẻ đẹp thiên nhiên hoà quyện núi rừng
Đến đây, bạn sẽ ngỡ ngàng với độ trong và sạch của nước suối. Đứng trên bờ nhìn xuống, bạn có thể thấy được những đàn cá bơi lội, uốn lượn, tất cả tạo nên một không gian tự do, tự tại, hoà mình vào thiên nhiên
Nơi này "đốn tim" du khách bởi vẻ đẹp huyền diệu, kỳ vĩ, vừa mềm mại, yên ả lại vừa mạnh mẽ. Nếu muốn tìm về chốn an yên, nơi đây sẽ làm thoả lòng bạn. Đến đây, bạn sẽ có cảm giác như trút hết mọi muộn phiền, lo toan để hoà vào cuộc sống dung dị, an nhàn.
Trải qua khoảng thời gian thăng trầm và nhiều biến cố lịch sử, song cảnh sắc nơi đây vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Con suối ngày càng trở nên quyến rũ, thu hút du khách.
Bạn có thể du lịch suối Lê-Nin vào các tháng trong năm, trừ tháng 7, 8 nước suối ở đây chảy xiết và có màu đục. Ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng suối, các phòng trưng bày tranh ảnh, kỷ vật lịch sử cũng là điểm dừng chân thú vị chờ bạn khám phá.
Nếu có dịp, hãy ghé qua khu di tích Pác Bó để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con suối Lê-Nin bạn nhé. Khung cảnh như chốn thần tiên này hứa hẹn mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị.
Núi Các Mác thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là một ngọn núi nổi tiếng nằm trong khu di tích Pác Bó. Đây là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc sau khi trở về nước vào ngày 8 tháng 2 năm 1941. Bác đã đặt tên cho ngọn núi khi sống trong hang Cốc Bó bên trong khe núi Các Mác. Đây là một ngọn núi có rừng cây xanh tốt với địa thế vừa thông thoáng mà vừa bí mật. Người sống bên trong có thể dễ dàng nhìn ra bên ngoài nhưng người bên ngoài thì không thể nhận biết bên trong. Với vị thế như vậy, núi Các Mác không chỉ có giá trị lịch sử to lớn mà còn là một chốn sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp.
Dưới chân núi, bên ngoài hang Cốc Bó chính là nơi Bác Hồ vẫn thường bắc bếp nấu cơm. Men theo con đường đá rêu dọc sông Lê Nin, du khách còn có thể thấy vườn trúc Bác đã trồng hay vườn ổi nơi bác thường hái lá đun nước uống. Núi Các Mác Cao Bằng sở hữu những vách đá lớn, những bãi cỏ xanh rờn, những bụi cây dại um tùm cùng với nhiều cây rừng cổ thụ xum xuê leo qua những đoạn đá sỏi. Bên cạnh núi Các Mác, du khách có thể tham quan một số địa điểm du lịch cũng như di tích lịch sử quanh đó như suối Lê Nin, hang Cốc Bó, hang Diêm Tiêu, khu di tích lịch sử Pác Pó và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hang Cốc Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là một hang động nổi tiếng nằm trong khu di tích Pác Bó. Đây là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc sau khi trở về nước vào ngày 8 tháng 2 năm 1941. Bác đã đặt tên cho dòng suối trước cửa hang là “suối Lê-Nin” và ngọn núi sở hữu hang Cốc Bó là “núi Các Mác”. Hang Cốc Bó trong tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn” nằm bên sườn núi Các Mác, gần dòng chảy của suối Lê Nin. Vì trong lòng hang tối tăm, ẩm thấp, nhỏ hẹp, lạnh lẽo và nằm sâu trong khe núi nên thời đó không ai để ý tới, hang trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho Bác để hoạt động Cách mạng.
Khoảng trước năm 1979, hang Cốc Bó rộng khoảng 15 m², trước cửa hang có một con suối lớn chảy ngầm từ trong núi ra và nguồn của nó là bên phía Bắc của ngọn núi này và thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, quân Trung Quốc đã cho nổ mìn phá hủy hang Cốc Bó. Thế nhưng ngày nay, hang động đã được phục hồi lại như trước với mục đích phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.
Ngày nay, trong hang vẫn còn lại chiếc giường mà Hồ Chí Minh đã từng nằm nghỉ và cũng là chỗ làm việc của Bác. Đó chỉ là một tấm ván cũ đã nứt nẻ. Nằm sâu bên trong là bức tượng của Các Mác bằng thạch nhũ mà năm xưa Bác Hồ đã đặt tên. Dưới chân núi, bên ngoài khu du tích hang Cốc Bó chính là nơi Bác Hồ vẫn thường bắc bếp nấu cơm, đun nước uống dùng lá cây ổi làm chè. Bên cạnh hang Cốc Bó, du khách có thể tham quan một số địa điểm du lịch cũng như di tích lịch sử quanh đó như suối Lê Nin, hang Diêm Tiêu, khu di tích lịch sử Pác Pó và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hang Ngườm Pục là một hang nằm sâu trong dãy núi đá giáp ranh giữa xã Lê Lợi huyện Thạch An (Cao Bằng) và xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Hang có độ sâu gần 100 mét tính từ cửa vào, trải dài với hệ thống nhũ đá nguyên sơ và rất đẹp nhưng chưa được nhiều người biết đến. Địa hình trong hang tương đối hiểm trở, muốn đến đây khám phá thì du khách phải chui qua các khe đá hẹp, sườn núi hiểm trở.
Hang Ngườm Pục Cao Bằng mới được phát hiện nên trước đó chưa nằm trong danh sách các điểm danh lam, thắng cảnh của Cao Bằng. Với vẻ đẹp hấp dẫn và được chia sẻ qua mạng xã hội vào thời gian gần đây, Ngườm Pục đang thu hút khá nhiều du khách đến khám phá.
Động Ngườm Ngao ẩn mình trong ngọn núi hùng vĩ tại bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, động Ngườm Ngao cách Thác Bản Giốc chừng 3km.
Hang động này có lịch sử hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm. Bởi sự phát hiện và đưa vào khai thác du lịch chưa lâu nên Ngườm Ngao vẫn giữ trọn nét đẹp hoang sơ vốn có.
Ngườm Ngao theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp. Du khách sẽ được người dân địa phương kể nhiều câu chuyện xung quanh tên gọi hang động. Trong đó, người ta tin rằng, xưa kia có nhiều hổ dữ sinh sống ở trong động. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng tên gọi xuất phát từ việc đứng ở trong động, nghe tiếng nước chảy hòa vào nhau giống như tiếng hổ gầm nên thường gọi là Hang Hổ.
Theo Tour thác Bản Giốc để đến được động Ngườm Ngao, du khách sẽ phải đi qua nhiều đoạn đường quanh cao, nguy hiểm. Dù vậy, cung đường này luôn khiến phượt thủ cảm thấy thích thú.
Từ thành phố Cao Bằng, di chuyển theo đường vượt Đèo Mã Phục và cả đèo Khau Liên chừng 60km. Đến được thị trấn Trùng Khánh, bạn tiếp tục đi thêm quãng đường dài gần 30km sẽ bắt gặp Thác Bản Giốc. Đường gần đến thác, theo hướng đường tỉnh lộ 206, bạn thấy biển chỉ dẫn về động Ngườm Ngao thì rẽ vào.
Du lịch động Ngườm Ngao vào ùa nước bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9. Lúc này động có nhiều dòng nước chảy, khi có ánh điện sáng chiếu vào, toàn cảnh động hiện lên chẳng khác nào những viên ngọc vô cùng lấp lánh. Đi tour Thác Bản Giốc từ Hà Nội đến đây, đặt chân vào bên trong động, du khách cảm nhận được bầu không khí cực kỳ thoáng đãng, trong lành, thậm chí là se lạnh. Thời điểm tháng 10 đến tháng 4 năm sau, Cao Bằng bước vào mùa khô. Động Ngườm Ngao lúc này không còn nước nên việc di chuyển, thám hiểm của khách du lịch Cao Bằng diễn ra thuận tiện, dễ dàng hơn rất nhiều.
Động Ngườm Ngao có chiều dài lên đến 2,144 m, có 3 cửa chính: Cửa Ngườm Ngao, Cửa Ngườm Lồm, Cửa Bản Thuôn.
Không chỉ sở hữu không gian vô cùng rộng lớn, động Ngườm Ngao còn được tạo hóa ưu ái ban tặng hệ thống nhũ đã độc đáo, mọc từ trên xuống hay nhô từ mặt đất lên, kích thước to nhỏ khác nhau. Tất cả đan xen với nhau tạo thành một mê cung kỳ diệu.
Khách du lịch sẽ thoải mái phát huy trí tưởng tượng của mình về hình thù nhũ đá kỳ thú. Lúc thì như những búp sen đang nở rộ, khi thì như nàng thiếu nữ đang chải mái tóc dài…
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của động Ngườm Ngao Cao Bằng đó là màu sắc nhũ đá khác lạ. Điều này xuất phát từ lượng canxi chứa nhiều tạp chất khác nhau.
Nhờ diện tích rộng lớn mà động Ngườm Ngao được chia thành nhiều khu vực. Khu ‘tứ trụ’: Có 4 cột đá dựng thành vách tựa cột chống trời khổng lồ. Khu trung tâm có diện tích rộng nhất và khu châu báu cuối cùng. Tên gọi của khu châu báu xuất phát từ việc quy tụ nhiều tảng thạch nhũ lấp lánh, giống như vàng bạc kho báu ẩn giấu mình trong hang động.
Không chỉ thế, theo tour du lịch Cao Bằng khám phá động Ngườm Ngao, bạn còn bắt gặp một vài con suối nhỏ, nước chảy róc rách. Lối đi trong động đôi khi khiến du khách cảm thấy khó khăn, nhiều vách đá nhỏ hẹp chỉ vừa một người đi, hay có tảng nhũ đá chắn ngang khiến người đi phải cúi gập người mới qua được. Càng đi sâu vào bên trong hang động. Bạn sẽ càng thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng tuyệt tác thiên nhiên dành tặng cho Ngườm Ngao.
Lưu ý khi đi vào mùa nước, hãy chuẩn bị đèn pin, trang phục thoải mái, nhất là đi giày thể thao tính năng chống nước hoặc dép cao su, đảm bảo cho độ bám đế tốt. Bởi thời điểm đó, trong hang động có nhiều nước nên dễ xảy ra tình trạng trơn trượt nguy hiểm.
Hồ Thang Hen là địa danh du lịch nổi tiếng có vị trí thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng. Nơi này có độ cao từ 1.500-1.700 so với mực nước biển và trở thành hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đẹp, cao nhất ở Việt Nam.
Diện tích hồ Thang Hen rộng nhất trong tổng số 36 hồ nước ngọt tại Trà Lĩnh, Cao Bằng. Mặc dù chúng được ngăn cách một cách riêng biệt, song lại thông nhau qua hệ thống hang động bên dưới lòng đất.
Bởi hình dáng hồ giống đuôi con ong nên người dân địa phương đã gọi hồ bằng tên Thang Hen. Khách du lịch thác Bản Giốc lựa chọn Thang Hen làm điểm dừng chân cho hành trình khám phá của mình sẽ bị khung cảnh thiên nhiên tuyệt sắc mê hoặc.
Hồ Thang Hen Cao Bằng có huyền thoại rất thú vị. Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa ở Cao Bằng có một chàng trai tên là Sung thông minh tuấn tú. Chàng thi đỗ làm quan và được vua ban thưởng bảy ngày vinh quy bái tổ. Về quê, chàng kết hôn cùng nàng Boóc xinh đẹp. Mải quyến luyến bên người vợ xinh đẹp mới cưới, chàng quên mất ngày trở về kinh. Đến đêm thứ bảy chàng mới sực nhớ, vội chia tay vợ và bố mẹ chạy về kinh. Giữa đêm tối trong rừng hoang, Chàng chạy được 36 bước chân thì ngã đầu đập vào núi rồi chết. 36 bước chân của chàng ngày nay là 36 cái hồ lớn nhỏ với những tên gọi khác nhau của tiếng địa phương thuộc huyện Trà Lĩnh. Tương truyền rằng nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thang Hen ngày nay.
Vẻ đẹp tựa tranh vẽ của hồ Thang Hen gợi cho khách du lịch tour Cao Bằng từ Hà Nội có cảm giác thích thú, muốn chìm đắm ở đó mãi không thôi. Khung cảnh non xanh nước biếc hữu tình chẳng khác nào cõi tiên. Sự xuất hiện của những áng mây bay lơ lửng quanh núi lại càng làm cho nơi đây thêm bí ẩn, huyền ảo.
Khu vực hồ có bờ vực đá dựng đứng cho phép du khách có thể dễ dàng quan sát những cây gỗ nghiến tuổi đời hàng trăm năm cùng nhiều giống hoa lan rừng. Môi trường tự nhiên tuyệt vời còn trở thành nơi lý tưởng để các loài động vật hoang dã sinh sống như chim gáy, gà gô, khỉ vàng.
Phong cảnh 4 mùa của Thang Hen Cao Bằng lại mang những nét đẹp quyến rũ rất riêng. Mùa xuân là lúc những thảm hoa dại đua nhau khoe sắc bên hồ. Vào mùa hạ nước lại dồi dào, mặt hồ căng mình rộng dài, thoai thoải như hình thoi. Đặc biệt, các đợt mưa lũ thường làm sông hồ miền núi đỏ đục, nhưng hồ Thang Hen Cao Bằng vẫn giữ được độ trong xanh bất định, in bóng tán rừng già xanh thẳm.
Mỗi thu sang, đông về, nước hồ Thang Hen lại cạn đi nhiều, chỗ sâu nhất lúc này chỉ chừng 5m, nhưng cảnh sắc vẫn thực sự tuyệt vời. Lòng hồ phẳng lặng tựa như tấm gương khổng lồ, soi chiếu cả mây trời và núi rừng khiến lòng người say đắm.
Du lịch hồ Thang Hen Cao Cằng bạn đừng quên trải nghiệm việc ngồi thuyền, trôi theo dòng nước hồ xanh biếc. Thỏa thích để thu trọn thiên nhiên tươi đẹp vào tầm mắt. Hoặc chỉ đơn giản là tản bộ quanh hồ, tận hưởng không khí khoáng đạt, trong lành cũng đủ thấy sự bình yên.
Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng thì thời điểm tuyệt vời nhất để bạn hòa mình vào tiên cảnh Thang Hen chính là lúc mặt trời vừa lấp ló. Lúc này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hồ như chiếc gương màu ngọc bích phủ lên mình chiếc khăn voan màu trắng tinh tế. Ẩn hiện những ngọn núi thấp thoáng xung quanh. Tất cả mang đến một sớm mai lạ kỳ, đưa du khách tour Cao Bằng tách biệt khỏi cuộc sống hiện đại đầy xô bồ.
Chiêm ngưỡng đèo Mã Phục kỳ vĩ nằm ngay ranh giới phân chia địa phận giữa hai xã Nguyễn Huệ của huyện Hòa An và xã Quốc Toản thuộc huyện Trà Lĩnh. Nơi đây có nhiều ngọn núi nối tiếp nhau, cao thấp nhấp nhô khiến khung cảnh trở nên kỳ vĩ mà nên thơ. Xen lẫn với đó là những thửa ruộng bậc thang nhuốm sắc vàng khi chiều tà, bình dị đến yên bình.
Cách hồ Thang Hen chừng 2km, làng Lũng Táo đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch khi đến với Cao Bằng. Các ngôi nhà ở đây đều thiết kế kiểu nhà sàn và dựng bằng gỗ nghiến. Ngôi làng được đánh giá về sự trù phú nhất khu vực, với phong cách kiến trúc kết hợp giữa đặc trưng dân tộc Mông và Hoa Nam.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại nơi biên cương Tổ quốc, khánh thành ngày 15/12/2014, rộng khoảng 3ha. Ngôi chùa tựa lưng vào núi Phia Nhằn nên có thể nhìn ngắm toàn cảnh thác Bản Giốc hùng vĩ, núi non điệp trùng từ trên cao.
Từ thác Bản Giốc đến ngôi chùa này chỉ khoảng 500m, do đó trong lịch trình tour du lịch Cao Bằng bạn đừng quên đến đây để tận hưởng sự thanh bình, yên tĩnh miền đất Phật nhé. Từ nhà lễ, lầu, nhà thờ, đền thờ hay các chi tiết nhỏ khác đều mang dấu ấn quen thuộc, rất tỉ mỉ, công phu mang nét uy nghiêm, thanh tịnh.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được kết nối với nhau từ gỗ lim, mái đao và mái ngói truyền thống. Các hạng mục của chùa bao gồm: tam quan, khuôn viên tượng Quan Âm bồ tát, nhà thờ tổ, tòa Tam bảo, đền Mẫu thờ Việt Nam Triệu Tổ Hùng Vương, vườn địa đàng, vườn Tượng La Hán,... Đặc biệt, khách đi du lịch thác Bản Giốc sẽ tận mắt thấy nhà lầu chuông Đại hồng chung Thiên Bảo được làm bằng đồng, trọng lượng khoảng 1,5 tấn. Đây là một trong những điểm nhấn nổi tiếng của ngôi chùa này với các Phật tử gần xa.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh, tôn giáo của người dân nơi đây. Đồng thời, cũng là địa điểm để các tín đồ Phật tử đến cầu nguyện bình an, cuộc sống êm đềm hạnh phúc. Vào ngày mùng 1 đầu tháng, ngày rằm ngôi chùa đón nhận rất nhiều tín Phật đến dâng lễ. Tuy vậy, nơi đây vẫn rất thanh tịnh, không hề ồn ào hay có sự chen lấn.
Việc xây dựng chùa Phật Tích Trúc ngay giữa vùng biên cương cũng mang ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của vùng. Góp phần thu hút du khách gần xa đến chiêm ngưỡng và tham quan. Đây cũng là địa điểm thích hợp để bạn chụp ảnh lưu giữ kỉ niệm trong tour thác Bản Giốc từ Hà Nội của mình.
Như đã chia sẻ ở trên chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc tọa giữa núi Phia Nhằn. Chính vì vậy khi ngắm nhìn công trình Phật giáo này từ xa thu vào tầm mắt của bạn là hình ảnh ngôi chùa nổi bật giữa núi rừng bạt ngàn. Đường lên khúc khuỷu, quanh co gian nan như con đường tu luyện, khổ hạnh để đắc đạo vậy.
Muốn lên đến chùa bạn phải leo lên các bậc thang, do đó những giày thể thao hay giày bệt thoải mái sẽ là lựa chọn sáng suốt nhất. Điều này giúp cho bạn di chuyển dễ dàng, chống trơn trượt. Tuy khá mệt nhưng đến nơi bạn sẽ tận hưởng từng cơn gió nhẹ nhàng thổi qua, không khí trong lành xua tan hết buồn phiền, u uất trong cuộc sống thường nhật.
Dừng chân tại ngôi chùa du khách lựa chọn tour du lịch thác Bản Giốc còn được ngắm nhìn toàn bộ vẻ đẹp của khu du lịch từ trên cao. Thác nước vẫn chảy hùng vĩ với bọt tung trắng xóa, nhưng từ xa dòng nước như hiền hòa hơn rất giống dải lụa trắng của đất trời ban tặng cho nơi đây. Từ đây bạn có thể thỏa sức chụp ảnh để lưu lại kỷ niệm khó quên khi đến với đất trời Cao Bằng.
Lưu ý chùa Phật Tích là nơi rất linh thiêng nên khi đến tham quan du lịch chú trọng trang phục lịch sự, không gây ồn ào, chụp ảnh ở những địa điểm được phép.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Slam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km về phía tây nam. Đây là nơi lưu giữ một hệ thống các di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và đến nay đã trở thành địa chỉ đỏ trên hành trình về nguồn Cao Bằng.
Khu di tích quốc gia rừng Trần Hưng Đạo là nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Đội VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu di tích gồm 5 điểm quan trọng: Cụm di tích rừng Trần Hưng Đạo (gồm Địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Lán nghỉ và bếp ăn, mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt, Đỉnh Slam Cao); Hang Thẳm Khẩu (xã Tam Kim) - từng được sử dụng làm trạm liên lạc, đưa cơm phục vụ cho các đồng chí hoạt động cách mạng; Đồn Phai Khắt (xã Tam Kim) - nơi diễn ra trận đầu ra quân của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (25/12/1944); Đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám) - nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (26/12/1944); di tích Vạ Phá (xã Tam Kim).
Với những giá trị lịch sử này, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là di tích quốc gia đặc biệt. Từ đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được địa phương đặc biệt quan tâm thông qua việc nâng cấp tuyến đường từ đèo Cao Bắc và tuyến đường từ tỉnh lộ 34 vào khu di tích, xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình nhà đón tiếp, nhà tưởng niệm.
Đặc biệt, Nhà trưng bày tại khu di tích sau khi được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần tôn vinh và tri ân thế hệ đi trước, đồng thời bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích. Các hiện vật tại đây được trưng bày tập trung, đảm bảo tính khoa học và giá trị lịch sử chân thực theo 3 chủ đề: Cao Bằng - Đất nước, con người và truyền thống; Quá trình hình thành, ra đời và hoạt động của Đội VNTTGPQ; Quân đội anh hùng truyền thống vẻ vang.
Đến với di tích rừng Trần Hưng Đạo, du khách không chỉ được tìm hiểu truyền thống lịch sử vẻ vang với nhiều điểm di tích mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh. Với diện tích rộng trên 201,7 ha, rừng Trần Hưng Đạo còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với bầu không khí trong lành và là điểm đến của hàng ngàn du khách trong nước cũng như quốc tế.
Nằm sâu dưới những tán cây cổ thụ là nhà bia 34 chiến sĩ của Đội VNTTGPQ, lán nghỉ và bếp ăn mô phỏng lại cuộc sống đời thường giản dị của các chiến sĩ. Men theo con dốc nhỏ chừng 50m là mỏ nước tự nhiên, cũng là điểm lấy nước sinh hoạt của các chiến sĩ, trải qua nhiều năm vẫn cho ra những dòng nước mát lạnh và trong vắt. Cũng tại rừng Trần Hưng Đạo, cây sấu cổ thụ 300 năm tuổi từng gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của Đội VNTTGPQ đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Trải qua 75 năm, những dấu tích từ thuở đầu thành lập Đội VNTTGPQ luôn được đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng trân trọng và gìn giữ, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ sau này. Khu rừng nguyên sinh rộng lớn xòe từng tán cây, bao bọc những di tích thiêng thiêng trong tháng ngày hoạt động cách mạng gian khó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội VNTTGPQ.
Di tích đồn Phai Khắt Cao Bằng là nơi diễn ra trận đấu đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sau khi thành lập. Đồn Phai Khắt thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, cách khu rừng Trần Hưng Đạo 7km. Tại đây, lúc 17h ngày 25/12/1944, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng nhân dân địa phương đã tiêu diệt và bắt gọn chỉ huy cùng toàn bộ binh lính, thu vũ khí của địch.
Chiến thắng đồn Phai Khắt tuy quy mô không lớn nhưng đã tạo niềm tin tất thắng cho các chiến sĩ giải phóng, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang làm tiền đề cho các trận đánh sau này.
Đồn Phai Khắt được xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 29 tháng 01 năm 1993 và là một trong các di tích trong Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.
Khu di tích mộ anh hùng liệt sỹ Kim Đồng nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng); là nơi ghi nhớ anh hùng liệt sỹ Kim Đồng, người có công bảo vệ cán bộ cách mạng trong thời kỳ chống Pháp.
Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1929. Ngày 15/5/1941, đồng chí Đức Thanh là cán bộ cách mạng quyết định thành lập Đội nhi đồng cứu quốc tại làng Nà Mạ, gồm có 4 đội viên: Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Thủy, Thủy Tiên do Kim Đồng làm đội trưởng.
Tháng 8/1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc Én ở trên núi sau làng Nà Mạ. Bác khen ngợi đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Ngày 15/2/1943, trong khi đang làm nhiệm vụ để bảo toàn bí mật, giúp các đồng chí cán bộ Việt Minh kịp thời tản lên núi, Kim Đồng đã hy sinh khi vừa tròn 14 tuổi.
Kim Đồng đã được Đảng và nhà nước phong tặng Anh hùng liệt sỹ năm 1997. Khu di tích Kim Đồng được xây dựng ngay trên quê hương anh gồm có mộ anh Kim Đồng và tượng đài khang trang tại chân rặng núi đá cao đồ sộ, bên cạnh cây nghiến xanh biếc.
Tượng đài anh Kim Đồng với bộ quần áo Nùng và tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư, trước tượng đài có 14 bậc đá và 14 cây lát vươn cao xanh ngắt. Nơi đây có một khoảng sân rộng, hàng năm thiếu niên, nhi đồng của tỉnh Cao Bằng và cả nước thường tụ hội tại đây cắm trại, vui chơi ca hát.
Khu di tích cũng sở hữu một khoảng sân rộng, là nơi tổ chức các buổi cắm trại, vui chơi ca hát hàng năm của thiếu niên và nhi đồng của tỉnh Cao Bằng. Đây thực sự là địa điểm đáng ghé thăm khi du khách đến với miền đất Cao Bằng. Năm 2011, Khu di tích lịch sử Kim Đồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia
Khu di tích lịch sử Chiến dịch Biên giới 1950 nằm tại Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, cách thành phố Cao Bằng khoảng 60 km đi theo đường quốc lộ số 4. Đây là một khu di tích gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950, do Bộ Tư lệnh Quân khu, Quân khu I, Quân khu II và tỉnh Cao Bằng phối hợp xây dựng. Khu di tích được đưa vào sử dụng ngày 19/05/2004, thể hiện đạo lý cao cả “Uống nước nhớ nguồn ” đối với vị lãnh tụ thiên tài, vị cha già kính yêu của dân tộc và ghi lại dấu ấn oanh liệt, hào hùng của một chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cột mốc 108 là nơi đầu tiên Bác Hồ đặt chân về quê hương sau 30 năm bôn ba nước ngoài. Không chỉ là một chứng nhân lịch sử, khách du lịch khi đến nơi đây sẽ chìm đắm trong vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc.
Cột mốc 108 nằm trong quần thể Di tích lịch sử Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng. Cột mốc 108 được dựng vào cuối thế kỉ 19 theo Hiệp ước Pháp - Thanh. Đây là một trong 314 cột mốc dùng để phân định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại thời điểm ấy.
Đi đến Cột mốc 108 từ thành phố Cao Bằng, mất khoảng hơn một tiếng đi xe buýt để đến xã Trường Hà (huyện Hà Quảng), nơi có hang Cốc Bó, suối Lê Nin, núi Các Mác, địa điểm Bác Hồ chọn làm căn cứ cách mạng sau khi từ Trung Quốc về nước.
Muốn lên cột mốc 108, đi men theo suối Lê Nin, ngang qua hang Cốc Pó. Dòng suối bắt nguồn từ gần hang Bác ở, chảy quanh khu vực đền thờ nằm trên ngọn núi Pò Tánh Chấy rồi uốn lượn xuống khu vực hạ lưu cạnh trạm kiểm soát biên giới.
Lán Khuổi Nặm cách hang Pác Bó khoảng một cây số. Đường quanh co men theo chân núi, càng đi càng dốc lên. Được biết, đường vào lán xưa kia chỉ là một lối mòn cheo leo, nay được mở rộng hơn và lát đá cho tiện đi lại. Còn khe núi trên đường vào lán ngày trước rậm rạp um tùm giờ là những thửa ruộng bậc thang tiếp nối nhau chạy ngược đến tận phía rừng xa.
Đây là nơi Bác ở lâu nhất. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí cán bộ đã làm thêm cho Người hai lán nữa (lán Khuổi Nặm II và III). Lán Khuổi Nặm có địa thế rất thuận lợi, nằm ngay ở cửa rừng, được che kín, nhìn bên ngoài vào không phát hiện được, nhưng ở bên trong quan sát ra thì rất rõ, khi có động tĩnh có thể rút lui, ngược dòng Khuổi Nặm qua mốc 109 sang Trung Quốc an toàn. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn dân tộc, với 2 gian nhỏ, có diện tích khoảng 12m2. Lán hiện nay mới được trùng tu lại trong khoảng thời gian gần đây.
Là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28 tháng 01 đến ngày 07/02/1941). Ngôi nhà này được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương.
Nghề rèn thủ công truyền thống của người Nùng An đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm hành trình khám phá vùng đất Cao Bằng.
Làng Phúc Sen cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km, nghề rèn nơi đây có lịch sử trên 300 năm. Ban đầu, làng chỉ rèn các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật dụng sinh hoạt. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề phong phú đa dạng hơn, có uy tín không chỉ trong phạm vi tỉnh Cao Bằng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, thành phố Hà Nội của nước ta cũng như các huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Mặc dù các sản phẩm ở đây không bóng bẩy, bắt mắt, lại có giá bán cao gấp hai, ba lần sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhưng hàng sản xuất ra tới đâu, bán hết tới đó. Hiện nay, ở Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Để làm ra một con dao sắc, người Nùng An có những bí quyết riêng. Nguyên liệu rèn dao được làm từ những miếng nhíp ô tô đã hỏng, đặc biệt từ nhíp xe U-oát là tốt nhất. Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá để nung thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến mới giúp giữ nhiệt và làm than mau đỏ. Để giữ được nhiệt, lò nung thép cũng phải làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu làm chất liệu xây lò. Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ.
Khám phá làng nghề Phúc Sen, du khách đi du lịch Cao Bằng sẽ có cơ hội lắng nghe những chia sẻ về cuộc sống cũng như công việc của người dân nơi đây. Đặc biệt, bạn còn được thưởng thức các món Đặc sản Cao Bằng hấp dẫn của miền đất mến khách này.
Thiện cảm đầu tiên khi tham quan làng nghề Phúc Sen chính là những nụ cười trên môi của người dân nơi đây. Từ thanh niên cho đến người già đều rất mến khách, họ luôn niềm nở trả lời các câu hỏi cũng như chia sẻ nhiều điều thú vị về cuộc sống và công việc thường ngày. Để làm ra sản phẩm chất lượng thì điều đầu tiên phải lựa chọn được loại thép tốt nhất. Sau đó qua từng công đoạn nhất định như dàn - tôi - nhúng nước - dàn liên tục… mới có thể tạo nên sản phẩm ưng ý nhất.
Bản Pác Rằng, thuộc xã Phúc Sen, nằm ven Quốc lộ 3, từ thị xã Cao Bằng đi Cửa khẩu quốc gia Tà Lùng, phía trước Bản là cánh đồng nhỏ hướng ra Quốc lộ, sau lưng là những ngọn núi đá hùng vĩ với những cánh rừng nguyên sinh tạo một không gian thanh bình, xanh mát mà bất cứ du khách nào cũng có thể cảm nhận được khi tới khu vực này. Đây là nơi cư trú của 51 hộ gia đình dân tộc Nùng An, với khoảng hơn 250 nhân khẩu.
Pác Rằng được chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo thông qua Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ. Đến Pác Rằng, du khách hấp dẫn bởi nền văn hóa truyền thống dân tộc thể hiện đậm nét lao động, sản xuất và sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây.
Điều dễ nhận thấy nhất khi tới bản Pác Rằng là các hộ gia đình vẫn lưu giữ được kiểu kiến trúc nhà sàn gỗ truyền thống kết cấu 2 tầng. Tầng một là chuồng trại gia súc, công trình vệ sinh, phía bên là lò rèn. Tầng 2 là không gian sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình, gồm: các phòng ngủ, gian tiếp khách và bếp. được bố trí khoa học và hợp vệ sinh. Tầng lửng được dùng làm kho chứa nông sản.
Núi Mắt thần - thác Nặm Trá nằm trong thung lũng thuộc xóm Bản Danh, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh), cách danh lam thắng cảnh cấp tỉnh Hồ Thang Hen khoảng 2 km, với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, hoang sơ, mới được phát hiện nhưng đã thu hút rất nhiều du khách tham quan, khám phá.
Từ tỉnh lộ rẽ phải vào hồ Thang Hen đến xóm Bản Danh, tiếp tục rẽ vào con đường mòn dưới chân núi, chỉ có thể đi bộ vào, đi khoảng 1,5 km là đến núi Mắt thần - thác Nặm Trá. Nhìn từ đỉnh núi, du khách bị choáng ngợp trước cảnh sắc hồ Nặm Trá rộng khoảng 15 ha đã cạn nước, một thảm cỏ xanh bạt ngàn được bao quanh bởi những ngọn núi. Dưới núi là những nương ngô uốn lượn tạo nên vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình”.
Đặc biệt nhất là ngọn núi Phja Piót (tiếng Tày: “núi thủng”), vì ngọn núi có một khoảng lớn thông qua mặt sau hình tròn như con mắt, được người dân nơi đây thường gọi và du khách tán thưởng với tên núi Mắt thần. Bà Vi Thị Năm, 76 tuổi, xóm Bản Danh cho biết: Hằng năm, vào khoảng tháng 6, 7, nước dâng lên ngập toàn bộ hồ Nặm Trá nên phải chờ đến tháng 8, 9 nước rút hết, mọi người mới chăn thả trâu, bò trên các gò đất cạn của mặt hồ. Thời gian gần đây, có rất nhiều du khách đến tham quan khu vực này.
Sau khi ngắm núi Mắt thần, rẽ sang bên phải hồ Nặm Trá, men theo con đường đất khoảng 600 m là đến thác Nặm Trá. Thác nước không cao và nhiều tầng nhưng có rất nhiều dòng chảy uốn lượn giữa các mỏm đá màu xám lô nhô tạo nên vẻ đẹp hùng vỹ. Điểm tô thêm cho vẻ đẹp của thác là những cây xanh và các sắc hoa rừng... bao quanh nên cảnh sắc rất sinh động.
Hiện nay, điểm du ngoạn núi Mắt thần - thác Nặm Trá đang được chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội với cảnh sắc nơi đây quá tuyệt vời. Chắc chắn đây sẽ là điểm đến thú vị bởi diện tích rộng lớn, có thể tổ chức cắm trại... Dưới núi là những nương ngô uốn lượn tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Nơi đây được dân yêu thích xê dịch đặt cho cái tên “Tuyệt Tình Cốc Cao Bằng“
Đèo Mã Phục là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường QL3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km. Thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, là ranh giới huyện Hòa An và huyện Trà Lĩnh.
Đèo Mã Phục có chiều dài hơn 3,5 km, cao gần 700 m so với mực nước biển, qua 7 tầng dốc xoáy cua tay áo khá hiểm trở, uốn lượn theo triền núi đá vôi, có nhiều đoạn gấp khúc. Một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu với những khe núi hẹp.
Con đèo rộng và đẹp, những dãy núi cao thấp nối tiếp nhau, phía bên này dốc đèo hướng đi Quảng Uyên trải dài những cánh đồng ngô, lúa xanh mướt, ngay bên đường là bản nhỏ với những ngôi nhà có hàng rào đá bao quanh vững chãi, đẹp mắt.
Ở mỗi thời điểm trong ngày, đèo Mã Phục Cao Bằng lại mang vẻ đẹp khác nhau. Dù giữa mùa hè, nhưng nếu qua đèo vào sáng sớm hay khi nắng tắt, đỉnh đèo xuất hiện màn sương mù bảng lảng, phong cảnh trở nên nguyên sơ, huyền ảo. Đến khi sương tan, trời bừng sáng, đám mây trắng nổi bật trên nền trời xanh, cảm giác mọi vật trở nên tràn đầy sức sống, gió xôn xao đem lại cảm giác mát lành.
Theo các chuyên gia, đèo Mã Phục còn là điểm di sản địa chất độc đáo. Khoảng 260 triệu năm trước khu vực này có nhiều núi lửa hoạt động ngầm dưới biển. Dung nham núi lửa phun lên trong nước biển bị nguội đột ngột tạo thành các cầu gối xếp chồng lên nhau với nhiều kích thước và màu sắc. Tại đèo, chỗ tiếp xúc với đá vôi (màu trắng) có thể thấy một loại đá khác màu xanh đen hình cầu (bazan cầu gối) là minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất, xứng đáng là di sản địa chất đặc sắc.
Đèo Mã Phục là điểm dừng chân đầu tiên của tuyến du lịch cụm phía đông của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, gồm các huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa. Từ điểm dừng chân này, du khách có thể tiếp tục hành trình khám phá tuyến đường đi bộ vào núi thủng Nặm Trá, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh); tham quan, trải nghiệm văn hóa bản địa làm hương, mô hình “homestay”, thưởng thức sản vật địa phương tại làng Phja Thắp, xã Quốc Dân và làng rèn Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên); tham quan, du lịch mạo hiểm trên dòng sông Quây Sơn xanh biếc, làng đá Khuổi Ky, động Ngườm Ngao và thác Bản Giốc tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)...
Chính độ hiểm trở tạo nên nét kỳ thú có một không hai ở đây. Ai lên đèo cũng đều biết tới chuyện tráng sĩ Nùng Trí Cao - một con người thuộc về lịch sử và huyền thoại của dân tộc Nùng nơi biên cương hùng vĩ này.
Nùng Trí Cao (sinh năm 1025 tại Cao Bằng) được coi là một anh hùng cái thế, theo cha là Nùng Tồn Phúc khởi loạn xưng vua từ năm 1038. Sau khi cha bị nhà Lý bắt và chém chết (năm 1039), Nùng Trí Cao cùng mẹ là A Nùng tiếp tục cuộc chiến. Chẳng bao lâu Nùng Trí Cao bị nhà Lý đánh tan và bắt giữ. Nhưng vua Lý Thái Tông thương tình không giết mà phong tước cho Nùng Trí Cao đi trấn giữ biên ải.
Không ngờ, Nùng Trí Cao lại quật khởi nổi dậy chiếm đất phía Tây Cao Bằng xưng vương (năm 1052). Thế lực ngày một mạnh dần và thu hút được nhiều tráng sĩ đi theo. Nùng Trí Cao đã từng đánh sang nhà Tống và chiếm 8 Châu (quận) vùng đất của hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, Trung Hoa.Ba năm sau xưng vương, Nùng Trí Cao bị nhà Tống tiêu diệt. Đây là hình ảnh ở cuối con đường, tráng sĩ Nùng Trí Cao sau trận đánh, đi tuần tra biên giới trở về. Sự mỏi mệt của cả người và ngựa đã tạo nên hình ảnh kỳ vĩ của đèo núi dựng bên vách đá này: "Con đèo dựng ngược hút mây trời. Hơi thở giốc-đường dài mệt mỏi. Ngựa hý vang ngước nhìn lần cuối. Rồi cúi đầu quỳ gục dưới chân người". Chính vì thế người đời đặt tên cho con đèo là Mã Phục (ngựa quỳ).
Đó cũng là một câu chuyện cổ tích có thật đã từng diễn ra. Không chịu bó chân như hình ảnh "Mã Phục" kia, những người lính Cụ Hồ đã tháo rời từng bộ phận của xe pháo, vận chuyển qua những cánh rừng rập rạm, men lưng đèo đưa vũ khí trở về chiến khu. Những người dân địa phương đã hợp sức tìm ra con đường thần thoại đó, khênh vác thiết bị cùng bộ đội vượt qua phòng tuyến của kẻ địch, băng qua muôn nẻo điệp trùng núi non.
Đó là khúc tráng ca đầy hào sảng của quân và dân Cao Bằng với những hình ảnh: "Núi đi trong sương lạnh. Núi đi trong mây mù. Núi đi trong gió cuốn. Núi lặng lẽ ngắm mình thung sâu. Núi bí ẩn đàn đàn mã phục. Núi trùng trùng muôn vạn hùng binh…".
Giờ đây đèo Mã Phục, ngoài những chuyến xe tấp nập ngược xuôi, còn đó là những phiên chợ họp ngay trên đỉnh đèo. Cứ 5 ngày một phiên vào mùng 3 và 8 hàng tháng. Những người Nùng, Tày, Dao từ các bản làng xa xôi lại vượt núi, gánh hàng lên họp mặt. Một thú chơi chợ rất "Cao Bằng". Nào hạt dẻ từ Trùng Khánh lên. Nào dao cuốc, xẻng từ Quảng Uyên về. Lại nữa gà lợn, măng tươi từ 5 huyện đưa tới. Nhất là thịt bò tươi từ hai xã bên đèo cao…
Những chàng trai cô gái được dịp vào cuộc hát Sli trong sương bay. Những gương mặt đẹp như hoa của các cô gái làm sáng bừng trên đỉnh đèo. Dừng lại bên chợ là những chuyến xe chở hàng hay du khách đi qua. Nhiều người xì xụp với những bát cháo ngô, hay xuýt xoa với những viên hạt dẻ nướng thơm bỏng môi.
Chinh phục đèo Mã Phục, ngắm nhìn thiên nhiên toàn cảnh và mua đặc sản Cao Bằng ngay tại chợ phiên trên đỉnh đèo chính là một trải nghiệm vô cùng lý thú đối với mỗi du khách khi đến đây.
Đèo Khau Liêu là gọi theo tiếng Tày, có nghĩa là đèo Liêu. Đứng trên cao nhìn xuống, đèo Khau Liêu mềm mại chạy giữa các dãy núi lô nho của Cao Bằng, giống như một con rồng uốn lượn quanh co, ôm lấy núi. Đây cũng là con đèo thử tay lái của nhiều dân “phượt” muốn chinh phục khó khăn trước thiên nhiên hùng vĩ. Có thể nói đèo Khau Liêu như một nét chấm phá trong bức tranh đồng quê miền núi tuyệt đẹp của vùng Trùng Khánh.
Không nổi tiếng như đèo Mã Phục nằm trước đó, đèo Khau Liêu mang một nét đẹp nên thơ, đầy màu sắc và hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Bạn sẽ có cảm giác hạnh phúc, vui sướng khi vượt qua được độ cao của đèo Khau Liêu. Đứng trên đỉnh đèo phóng tầm mắt xuống dưới, hít thở không khí thanh khiết của núi rừng, thật sự không còn gì thú vị hơn.
Cửa khẩu Tà Lùng là cửa khẩu quốc tế tại vùng đất bản Pò Tập thị trấn Tà Lùng huyện Phục Hòa tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Cửa khẩu Tà Lùng là điểm cuối của quốc lộ 3, tiếp nối là cầu Thủy Khẩu trên sông Bắc Vọng, thông thương sang cửa khẩu Thủy Khẩu tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Tà Lùng Cao Bằng là cửa khẩu chính của tỉnh Cao Bằng, nằm gần ngã ba nơi sông Bắc Vọng đổ vào sông Bằng. Sông Bắc Vọng có đoạn dài là biên giới tự nhiên ở phía đông huyện Phục Hòa.
Cửa khẩu Pò Peo là cửa khẩu tại vùng đất bản Nà Han xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam thông thương sang cửa khẩu Nhạc Vu ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Pò Peo là điểm cuối của tỉnh lộ 211, cách thị trấn Trùng Khánh khoảng 22 km theo đường này. Cửa khẩu ở phía đông nơi sông Quây Sơn chảy vào đất Việt chừng 2 km. Đoạn sông bên Trung Quốc có tên là Nan Tan He.
Cửa khẩu Trà Lĩnh hay cửa khẩu Hùng Quốc hay cửa khẩu Nà Đoỏng là cửa khẩu quốc gia tại vùng đất bản Hía ở thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Cửa khẩu Trà Lĩnh thông thương sang cửa khẩu Long Bang ở thành phố Bách Sắc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Trà Lĩnh là điểm cuối của tỉnh lộ 205, cách thị trấn Hùng Quốc khoảng 6 km theo đường này về hướng bắc. Tên cửa khẩu Nà Đoỏng được gọi theo bản Nà Đoỏng là bản ở trước bản Hía khi ra cửa khẩu. Tuy nhiên tên chính thức và được dùng trong giới chức hành chính, biên phòng và hải quan là cửa khẩu Trà Lĩnh.
Cửa khẩu Lý Vạn là cửa khẩu tại vùng đất bản Lý Vạn xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam thông thương sang cửa khẩu Thạc Long ở huyện Đại Tân, Tp Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu Lý Vạn cách thành phố Cao Bằng 60 km theo đường thẳng về hướng đông bắc.
Cửa khẩu Sóc Giang là cửa khẩu tại vùng đất bản Sóc Giang xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam thông thương sang cửa khẩu Bình Mãng ở thành phố Bách Sắc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu Sóc Giang cách thành phố Cao Bằng 42 km theo đường thẳng về hướng bắc tây bắc, và khoảng 55 km theo tỉnh lộ 203. Cửa khẩu gần kề với nơi sông Bằng chảy vào đất Việt.
Ở vùng cao, các bản làng cách xa nhau, nhiều bản chỉ có vài nóc nhà do đó cuộc sống thường nhật gần như khép kín. Vì vậy, việc đến chợ ngoài mua bán hàng hoá còn là nơi trao đổi thông tin, giao lưu tình cảm, hẹn hò lứa đôi.
Trong số 1,971 cột mốc cắm ở 7 tỉnh biên giới phía bắc, Cao Bằng có nhiều cột mốc nhất (634 cột mốc), nên được gọi là tỉnh có thế mạnh cột mốc – thế mạnh mà đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, xương máu. Các bạn yêu thích việc check-in với các cột mốc biên giới có thể tham khảo và kết hợp khi đi du lịch Cao Bằng, tuy nhiên các bạn cũng chú ý là trừ những mốc biên giới ở các vị trí lớn (ví dụ như cửa khẩu lớn, địa điểm du lịch) còn lại các mốc biên giới đều là khu vực khá nhạy cảm, các bạn nên xin phép rồi nếu được đồng ý thì nhờ bên biên phòng dẫn ra nhé.
Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc – Phia Đén hay còn gọi Phja Oắc – Phja Đén là khu rừng đặc dụng có diện tích 10.245,6 ha nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đây từng là khu nghỉ dưỡng được tìm ra và xây dựng bởi người Pháp từ đầu thế kỷ 20. Khu vực Phia Oắc – Phia Đen có phân bổ của 125 họ thực vật, 289 chi thực vật và khoảng trên 352 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Sinh cảnh cũng được ghi nhận có 66 loài bướm.
Theo những tài liệu hiện còn ghi chép được thì những ngôi biệt thự cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX. Vào thời gian này, thực dân Pháp đẩy mạnh việc khai thác quặng ở Tĩnh Túc và đẩy hàng ngàn công nhân từ khắp nơi về đây để bóc lột sức lao động, đào quặng, vơ vét tài nguyên.
Để đảm bảo giám sát số lượng nhân công lớn, Pháp đã điều động quân lính tới đây đồn trú đồng thời xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ sĩ quan, binh lính ngay tại chỗ với qui mô lớn. Quần thể biệt thự cổ bỏ hoang chính là khu nghỉ dưỡng của sĩ quan Pháp.
Trên khu vực lưng chừng núi Phia Oắc có hai loại hình nhà chính là biệt thự độc lập dành cho quan chức cấp cao của Pháp và biệt thự liền kề – khu vực dành cho binh lính và quan chức nhỏ.
Cách rừng đặc dụng Phia Oắc khoảng 5km có ngôi biệt thự đặc biệt sang trọng gọi là Nhà Đỏ. Nghe nói, chủ nhân của nó trước đây tên là Phăngten. Đây là ngôi biệt thự lớn nhất và cổ kính nhất ở khu vực Phia Oắc.
Du lịch Cao Bằng ăn gì? Sau đây hãy cùng Hitour khám phá ngay những món ngon đặc sản Cao Bằng gây thương nhớ cho du khách mang đậm đặc trưng ẩm thực Tây Bắc.
Vịt quay 7 vị – món ngon đặc sản Cao Bằng sử dụng tới 7 loại gia vị khác nhau là gừng, tỏi, hành khô, hạt tiêu, mật ong, đậu hũ và quả mắc mật khô để tạo thành gia vị tẩm ướp của món ăn.
Quan trọng nhất là khâu ướp vịt. Mắm, muối hoà lẫn trong nước 7 vị (7 vị đó có lẽ là bí quyết riêng của người Tày sống ở miền đông tỉnh Cao Bằng, bởi chỉ cần đi sang miền Tây, món vịt đã không còn mang cái vị lạ hấp dẫn ấy nữa) rút từ từ vào bụng vịt để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt. Một chiếc lạt tre dẻo, chẻ mỏng và chuốt nhọn đầu dựng làm kim, khâu bụng vịt, giữ cho nước không chảy ra ngoài.
Vịt được thổi phồng và chần qua nước sôi một lần nữa, sau đó rưới mật ong và quét dấm lên khắp thân. Cách làm này khiến cho thịt vịt vừa mềm, vừa có vị đậm của mật ngọt, lại không bị khô da khi nướng trên than hồng.
Bánh Trứng Kiến được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm, bà con dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng lại cùng nhau vào rừng tìm trứng kiến đen về làm bánh.
Người dân nơi đây thường lấy trứng kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn, thường làm tổ trên cây vầu rồi mang về phi mỡ heo cho thơm, một chút lá hẹ rồi rắc lên lớp bột và đem vào khay hấp.
Chờ đợi từng giây phút khi bánh chín, mùi thơm của lá vả thật hấp dẫn du khách khi lần đầu thưởng thức món này. Cắn những miếng đầu tiên, bánh trứng kiến ăn dẻo và thơm ngậy mùi trứng kiến khiến bạn khó lòng cưỡng lại được.
Bên cạnh món bánh trứng kiến béo ngậy, không thể không nói đến món bánh Chè Lam. Đây là món bánh cổ truyền của người dân Cao Bằng
Bánh làm bằng bột nếp rang, lạc rang, gừng và mạch nha. Khi thưởng thức mới cảm nhận được vị dẻo của bột nếp, vị ngọt ngoài của mật và chút cay của gừng, bùi bùi của lạc.
Nhâm nhi tách trà nóng ăn cùng với bánh chè Lam và ngắm nhìn thiên nhiên Cao Bằng. Tất cả đem đến cho bạn cảm giác an nhiên, nhẹ nhàng, thoải mái hơn bao giờ hết.
Bánh cuốn là món ngon đặc sản Cao Bằng có lớp vỏ bánh dẻo dai ăn cùng với nước xương ninh béo ngậy gây thương nhớ. Bánh cuốn Cao Bằng có màu trắng đục chứ không trắng tinh như những nơi khác. Đó là bởi vì loại bột làm bánh được làm từ loại gạo đặc trưng nơi đây, gạo Đoàn Kết. Hạt gạo dài, màu trắng ngà. Chỉ có đất Cao Bằng mới có thể làm ra loại gạo như thế này. Điều đặc biệt hơn nữa là sau khi gặt người ta không dùng máy để xay xát mà là tự tay giã cho hạt vỡ ra. Chính vì vậy hạt gạo vẫn giữ được vị ngọt thanh nhẹ nhàng. Đó là lý do khiến bánh cuốn Cao Bằng có vị rất khác với bánh cuốn tại những nơi khác.
Bánh cuốn Cao Bằng có lớp vỏ mỏng nhưng vẫn dẻo và dai. Vỏ bánh khéo léo ôm trọn phần nhân thịt, nấm mèo và hành nhưng vẫn không bị rách. Nếu bánh cuốn thịt Hà Nội thường được ăn kèm với nước chấm cà cuống hay nước mắm tỏi ớt chua cay thì bánh cuốn Cao Bằng lại khác. Người ta dùng bánh cuốn Cao Bằng kèm với nước ninh xương ngọt thanh mát lạnh. Chấm bánh ngập trong nước để phần nước thấm đẫm cả vào nhân là cách thưởng thức hương vị bánh cuốn Cao Bằng trọn vẹn nhất. Không quá đậm đà mà mang vị thanh đạm đặc trưng, bánh cuốn là một món ăn chơi vô cùng đáng thử khi bạn có dịp ghé thăm Cao Bằng.
Món ngon đặc sản Cao Bằng Nằm khau (Khâu nhục) không thể thiếu trong các đám cưới của người Tày nơi đây. Mỗi địa phương Khâu Nhục lại được chế biến với một hương vị khác nhau có thể đủ tất cả các nguyên liệu hoặc thiếu đi một vài vị trong đó.
Theo tiếng Tày, “khâu” nghĩa là hấp chín còn “nhục” là thịt xay nhuyễn. Thịt ba chỉ được thái thành từng lát sau đó luộc lên. Thịt sau khi luộc xong, người ta dùng ban châm tự chế để đâm thành nhiều lỗ trên bề mặt da miếng thịt để khi chiên miếng bì nổ đều. Đặc biệt trước khi đem đi rán thì da của thịt được thoa qua một lớp rượu gừng pha với bia (rượu hòa cùng nước gừng chắt) để không bị cháy trong quá trình chiên và có màu sắc vàng đều. Một số nơi thì sử dụng mật ong phết lên thịt trong quá trình nướng.
Trong quá trình làm thịt ba chỉ chiên người ta sẽ làm cả gia vị. Gia vị được làm cầu kỳ có mùi vị đậm đà từ hành, tỏi, tiêu, gừng, mắm, muối, đường, rượu trắng, quả mắc mật, dưa muối, tương đen…Đặc biệt không thể thiếu lá tàu soi – thứ lá đặc sản đặc trưng của vùng Tây Bắc. Cuối cùng là công đoạn hấp thịt và gia vị để có được món ăn đặc sản Cao Bằng không thể thiếu trong các đám cưới của người Tày nơi đây.
Người ta thường ăn kèm khâu nhục với cơm trắng hoặc bánh mì vào bữa sáng. Vị béo của miếng thịt, cộng với độ dòn của miếng bì, mùi thơm của mắc mật quyện vào đậm đà tạo thành một hương vị khó quên. Cách chế biến khâu nhục khá phức tạp với nhiều công đoạn. Tuy nhiên sự vất vả này là hoàn toàn xứng đáng bởi hương vị tuyệt vời mà thức đặc sản Cao Bằng này đem lại.
Rau dạ hiến hay còn được gọi là rau bồ khai, thường mọc hoang ở vùng núi đá. Đây là loại cây thân dây rất giòn, được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa bám trên cây gỗ để đón ánh sáng mặt trời.
Mỗi dịp mùa xuân và mùa hè, bữa tiệc của người dân nơi đây đều có món rau dạ hiến xào với thịt bò, lòng lợn, lòng gà. Món rau rừng này rất lạ và không giống với bất kì loại rau nào khác.
Khi tiết trời sang thu, người dân Tày – Nùng lại lên rừng hái quả trám để về làm xôi trám. Đây là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người dân Cao Bằng nơi đây.
Trám nấu xôi quả chín mọng, không bị sâu, ngâm nước trong nhiệt độ khoảng 25 đến 30 độC một lúc cho mềm. Lấy phần thịt bỏ hột rồi trộn với xôi đã đồ thật nhuyễn, có màu tím hồng. Bạn sẽ có dịp thưởng thức món xôi trám bổ, béo, vị là lạ này khác so với những loại xôi thông thường khác như thế nào?
Mùa đông Cao Bằng, người ta nghĩ ngay đến Bánh áp chao. Đây là món ăn làm xua tan đi nhanh chóng cơn giá lạnh miền núi.
Thoạt nhìn bạn sẽ thấy giống bánh rán nhưng chỉ cần một hũ bột, nêm gia vị đơn giản với một chảo dầu nóng, lấy từng khuôn đong từng đọt bột, nhúng vào chảo dầu đang sôi thật kích thích sự “thèm thuồng” của bạn.
Món ăn được nhiều người Cao Bằng rất mê, rất nhớ ngay cả khi đi xa. Những ngày đông giá rét Cao Bằng, bạn có thể ghé vào một quán ăn lề đường, gọi 1 suất bánh áp chao và sưởi ấm giá rét. Thật là một cảm giác khó quên.
Phở chua là đặc sản của vùng đất Cao Bằng, góp phần làm phong phú cho nét văn hóa ẩm thực của các tỉnh miền núi phía Bắc. Phở chua với nhiều gia vị, thành phần như thịt ba chỉ rán giòn màu vàng sậm đẹp mắt, khoai tầu (củ to, bở và ngọt chỉ có ở tỉnh Bắc Cạn và Cao Bằng) được cắt sợi chiên giòn, gan lợn cắt mỏng, dạ dày lợn được làm sạch sau đó luộc qua rồi mới đem rán, thịt vịt quay béo tròn, trong bụng tẩm ướp các loại gia vị và đặc biệt không thể thiếu hương vị của lá móc mật. Bánh phở Cao Bằng thơm, dai, khó lẫn với những địa phương khác vì được làm từ gạo Cao Bằng ngọt mà dẻo. Ngoài các nguyên liệu trên, phở chua còn ăn kèm với đậu phộng, rau thơm, húng, mùi, dưa chuột cắt mỏng.
Bí quyết tạo sức hấp dẫn cho phở chua nằm ở nước sốt. Phi thơm hành tỏi rồi lấy nước trong bụng con vịt quay pha một chút dấm, tỏi, đường, nước mắm, sau đó cho chút bột báng để cô sánh nồi lại. Khi thưởng thức trộn đều bát phở nhanh tay nhưng tránh làm nát bánh phở. Tùy khẩu vị mỗi người mà có thể thêm gia vị như ớt, tiêu. Phở chua ăn có vị ngậy của mỡ vịt, vị chua của dấm, bùi của đậu phộng, khoai tầu và gan hòa với vị béo của thịt ba chỉ, thịt quay, mùi thơm của lá móc mật, dẻo dẻo của bánh phở và cay nồng của ớt. Tất cả các hương vị hòa quyện vào nhau đánh thức cảm quan của người dùng. Phở chua là món ăn nguội nên rất được chuộng vào những ngày thời tiết mát dịu.
Phở chua thường được dùng trong các tiệc cưới, cúng giỗ để thực khách ăn được no. Nhưng nay phở chua đã xuất hiện ở nhiều quán ăn hay trong những gian hàng ẩm thực ở các chợ của tỉnh Cao Bằng. Lần đầu tiên thưởng thức, người dùng chưa thể cảm nhận được hết cái ngon và hương vị đậm đà của món ăn, nhưng khi đã quen thì vị thơm ngon của các loại gia vị, chua ngọt của nước sốt và độ dai dẻo của bánh phở sẽ làm bạn nhớ mãi không thể quên.
Lợn sữa quay là món ngon đặc sản Cao Bằng có lớp da vàng rộm, thịt béo ngây, thơm, ngọt gây thương nhớ với tất cả các du khách thập phương khi đến đây. Lợn quay phải là lợn sữa (lợn sữa, lợn nhỡ từ 15 – 30kg). Lợn phải được nuôi bằng rau cỏ nên thịt ngọt, chắc và dai hơn lợn nuôi công nghiệp ở dưới xuôi.
Khi quay lợn người ta sẽ cho một loại lá đặc trưng ở Tây Bắc là lá móc mật được nhồi vào bụng lợn và khâu lại. Đặc trưng nhất là người ta dùng que tre xiên qua thịt chứ không dùng que kim loại như thông thường. Chính điều này đã giúp thịt giữ nguyên được mùi vị trọn vẹn của nó.
Người ta quay lợn trong khoảng 90 phút dưới lớp nhiệt của than củi. Thịt lợn sữa Cao Bằng sau khi quay xong có lớp bì vàng rộm, giòn tan. Thịt ở trong không bị khô mà vẫn ẩm, mọng nước. Ăn kèm với các loại rau sống sẽ giúp mùi vị đỡ ngấy hơn. Đừng bỏ qua nếu bạn có dịp ghé thăm Cao Bằng nhé!
Cao Bằng là nơi nuôi nhiều bò, nhất là các huyện Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Có dịp đến vùng đất cao xa vời vợi, thưởng thức đặc sản nơi này, bạn đừng bỏ qua món thịt bò gác bếp. Bò ở Cao Bằng để cày bừa, kéo xe. Bò để thịt cũng nhiều. Trong đó, sấy khô là cách chế biến để bảo quản, dự trữ thịt bò của người dân địa phương, vừa để được lâu lại vừa có hương vị thơm ngon độc đáo.
Thịt bò dùng để sấy khô loại nào cũng ngon, không kén chọn. Nhưng ngon nhất vẫn là loại thịt mông, thịt bắp, vừa nạc vừa mềm. Thịt được xẻ ra thành từng miếng to nhỏ tùy ý. Nhưng thường to chừng hai ba ngón tay, dài chừng gang tay là vừa nhất. Thịt được tẩm ướp bằng muối, nước cốt gừng và đặc biệt không thể thiếu rượu trắng. Trước khi ướp, khía vài đường trên miếng thịt cho gia vị ngấm đều. Ướp xong dùng lạt tre tươi xâu thịt thành từng xâu rồi treo trên gác bếp.
Bánh Coóng phù là món ngon đặc sản Cao Bằng còn được biết đến với tên gọi quen thuộc là bánh trôi. Đây là món ăn vặt ở Cao Bằng cực thích hợp cho những ngày đông lạnh.
Nguyên liệu làm bánh khá đơn giản và dễ chuẩn bị bao gồm gạo nếp, đường, lạc, vừng, gừng. Lạc để làm nhân bánh, gạo nếp xay nhuyễn làm vỏ bánh. Vừng phủ lớp ngoài và gừng, đường để nấu nước cốt chan lên.
Điều làm nên đặc trưng của bánh trôi Cao Bằng đó là bột bánh rất dẻo, mềm và có vị ngọt đặc trưng. Nước đường thơm ngon đạt đến sự hòa quyện của vị ngọt của đường và vị cay của gừng. Mùa đông miền Tây Bắc với khí trời lạnh đến cả dưới 10 độ, trong tay có chén coong phù nóng ấm thì còn gì tuyệt vời hơn.
Không phải món cao lương mỹ vị nhưng mèn mén cũng là một món ngon Cao Bằng làm từ ngô khiến nhiều người khó quên khi chỉ mới nếm thử một lần.
Mèn mén được làm chủ yếu từ hạt ngô tẻ. Ngô sau mỗi vụ thu hoạch sẽ được người dân địa phương phơi thật khô sau đó tách hạt rồi đi rang và giã nhuyễn. Sau đó bột ngô này được trộn với bột gạo và nước thành một hỗn hợp sền sệt sau đó hấp lên. Mèn mén muốn ngon phải hấp 2 lần.
Người H’Mong hay ăn mèn mén trộn với cơm. Lúc này vị ngọt bùi của ngô kết hợp với cơm dẻo ngọt sẽ rất lạ miệng và kích thích vị giác. Ngoài ra, hiện nay người ta còn biến thể mèn mén với nhiều cách ăn mới như hòa vào ăn chung với nước phở và mì. Lưu ý là mèn mén ngon nhất là khi ăn nóng hổi và khi nguội mèn mén có vị hơi chua của bột ngô khi nguội.
Mèn mén là món ăn dân giã mà đã ghé các tỉnh miền núi phía bắc mà bỏ qua là thiếu sót lớn. Món ăn này được bán nhiều ở các phiên chợ hoặc các quán ăn vặt, bạn có thể mua về làm quà cho người thân bạn bè ăn thử.
Mác mật là tên gọi theo tiếng Tày, Nùng, hiểu nôm na là quả ngọt. Cây chủ yếu mọc ở chân núi đá vôi, một số ít trên sườn núi đá và vườn đồi do người dân đem hạt và cây con về trồng; được phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Quảng Uyên, Hoà An, Thông Nông.
Mác mật là một thứ gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn đặc trưng miền núi, như: Vịt quay, lợn quay… Vào mùa mác mật, các bà nội trợ ai cũng mua mác mật về chế biến các món ăn: cá kho, thịt kho, vịt quay, ninh chân giò, canh thịt băm, măng xào mác mật… Mùi vị thanh tao của quả mác mật đã khử hết mùi tanh của cá, mùi hoi của vịt, giảm bớt mỡ ngấy của chân giò…, tạo nên những món ăn thơm phức, tinh tế và hấp dẫn.
Vừa để ăn chơi và chế biến các món ăn, quả mác mật còn để dành ăn được quanh năm. Quả mác mật đem về dùng kéo cắt sát cuống, sau rửa sạch để cho ráo nước. Củ măng tươi thái lát mỏng, sợi chỉ và một ít ớt tươi, vài lát tỏi, cho vào lọ ngâm với nước muối (có thể ngâm bằng rượu trắng) dùng ăn quanh năm. Mác mật ngâm có đầy đủ vị chua, cay, mặn, ngọt; vẫn giữ được vị chua ngọt và hương thơm đặc trưng, thêm vị chua giòn của măng, vị cay của ớt rất đặc biệt. Món này dùng để khai vị, pha nước chấm, gia giảm vào các món kho hoặc xào… đều rất ngon. Ngoài ra, vào mùa rộ quả, người ta đem về phơi hoặc sấy khô cất đi dùng dần hoặc cho vào khay đá để dùng quanh năm mà quả vẫn giữ được mùi vị thơm ngon.
Cao Bằng còn một đặc sản thuộc loại nổi tiếng, đó là con cá chiên sông Gâm. Loại cá lăng màu đen này vốn được một ông chủ quán chả cá Lã Vọng đánh giá là ngon nhất để làm chả cá. Lòng cá được người sành ăn cho là thứ ngon nhất trên đời.
Cá chiên có con đến vài chục kg, là loại khó bắt vì chuyên sống trong hang ngầm dưới sông. Người đi câu thường đóng cả lán trại thường xuyên để đợi cá, đến khi câu được con nào là có người đến tận chỗ mua.
Đây là loài cá ngon trứ danh ở thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Gọi là cá trầm hương bởi loài cá này thường ăn rễ, lá mục của cây trầm hương mọc ven sông Quây Sơn và Bắc Vọng. Chính vì vậy thịt chúng ngon hơn nhiều loại cá nào khác, khi ăn có thể cảm nhận được vị trầm.
Món ngon nhất từ loài cá trầm hương là nướng, vì giữ nguyên được mùi vị của cá, khiến người sành ăn cũng phải trầm trồ. Cá bắt từ sông, làm sạch, mổ bụng rồi nhét thêm một vài loại rau, gia vị như hành, thì là, ớt… vào bên trong, bọc qua bằng lớp lá chuối rồi cho lên bếp than nướng.
Khi chín, cá tỏa mùi thơm nức. Gỡ miếng cá chấm cùng chút nước mắm nguyên chất, cảm nhận vị thơm ngây ngất, phảng phất vị trầm khiến bạn sẽ nhớ mãi.
Du lịch Cao Bằng ăn ở đâu? Sau đây hãy cùng Hitour khám phá ngay những quán ăn ngon ở Cao Bằng giá cả hợp lý, với muôn vàng món ăn ngon đặc sản nổi tiếng Cao Bằng.
Còn gì tuyệt vời hơn khi du lịch Cao Bằng chốn núi rừng Tây Bắc với gạo trắng nước trong để thưởng thức ngay những đặc sản của người dân nơi đây. Dưới đây là những đặc sản Cao Bằng làm quà ngon nổi tiếng nhất mà bạn nhất định phải thử hoặc mua về làm quà cho người thân bạn bè nếu có dịp đặt chân tới vùng đất này nhé.
Nếu ai đến du lịch Cao Bằng thì không thể nào quên việc mua Lạp sườn về làm quà. Lạp sườn Cao Bằng được chế biến cầu kỳ. Nhân của lạp sườn được làm bằng thịt thăn, thịt vai, được tẩm ướp gia vị, mật ong và không thể thiếu ít rượu trắng, chút gừng và ít quả mắc mật khô xay nhỏ.
Mất khoảng 2,3 ngày phơi khô nắng rồi treo lên bếp lửa, khói và hơi nóng của bếp lửa nhen từ mía cho miếng thịt săn và ngon hơn. Cắn những miếng đầu tiên, cảm nhận hương vị khó quên của Lạp sườn nơi vùng núi Tây Bắc sẽ khiến bạn nhớ hương vị này.
Hạt dẻ Trùng Khánh là thứ quả duy nhất chỉ có ở Cao Bằng. Quả có màu nâu đều, tròn trịa, hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái, có thể chế biến luộc, rang, sấy hay ninh với chân giò, thịt gà mà vẫn giữ được hương vị.
Cứ vào tháng 9, tháng 10 hàng năm là đến mùa thu hoạch. Du khách rồi sẽ “nhớ” tới vị thơm ngon, bùi ngậy nhất của hạt dẻ Trùng Khánh mà họ từng được thưởng thức.
Từ lâu, Cao Bằng nổi tiếng có sản phẩm miến dong đen được làm từ bột dong riềng nguyên chất, ngon. Với sự khéo léo và kinh nghiệm của những người dân nơi đây đã tạo nên những sợi miến bóng, đẹp, giòn, dai và có hương thơm đặc trưng của bột dong mà không sử dụng bất kì loại hoá chất nào.
Trong mâm cỗ ngày Tết, người dân Cao bằng với bát miến được nấu với thịt gà ăn kèm với nấm hương, mộc nhĩ đã là món ẩm thực truyền thống, đậm đà và ấm lòng của người dân vùng nùi nơi đây.
Bánh khảo là một trong những đặc sản Cao Bằng nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng. Mỗi dịp xuân về, bánh Khảo không thể thiếu được trên bàn thờ cúng tổ tiên.
Nguyên liệu làm bánh là loại gạo nếp, ngon, thơm, hạt tròn và mẩy đều. Người dân ở đây dùng đường kính hoặc đường phên để làm bánh khảo. Nhân bánh có vị bùi của lạc, vừng hoà quyện với vị béo ngậy của mỡ heo.
Những người nghệ nhân khéo léo, tỉ mỉ gói thật gọn bánh thành từng phong hình chữ nhật. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị thơm đậm đà của bột nếp, vị ngọt thanh của đường không thể nào quên.
Đông Khê là một địa danh gắn liền với một chiến thắng vang dội của quân và dân ta thời kháng chiến chống Pháp năm 1950 (Chiến dịch biên giới Đông Khê, Cao Bằng – 1950 ). Vùng đất này có điều kiện thời tiết vô cùng thích hợp cho một loại cây trồng cho quả ngọt mát, thơm ngon để trở thành đặc sản trái cây nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Đó là quả lê. Đã từ lâu Lê Đông Khê nổi tiếng ngọt thơm được biết đến là đặc sản Cao Bằng lừng danh khắp chốn. Lê Đông Khê được xem làm sản vật quý của núi rừng là niềm tự hào của người dân Cao Bằng.
Các vùng miền ở Cao Bằng đều trồng mận nhưng huyện Bảo Lạc là địa phương trồng được loại mận ngon nhất. Mận Bảo Lạc khi chín có màu đỏ (được người dân địa phương gọi là mận máu), vỏ nhẵn bóng, to bằng đầu ngón chân cái, khi ăn có vị ngọt dịu. Không chua là đặc điểm riêng biệt của loại mật này.
Sau khi đã khám phá vẻ đẹp của Cao Bằng, ăn ở những quán ăn ngon đầy những món đặc sản thì uống cafe ở đâu view đẹp hay thức uống ở đâu ngon để cho kỳ nghĩ du lịch Cao Bằng được trọn vẹn nhất. Sau đây Hitour sẽ gợi ý cho các bạn top những quán cafe đẹp ở Cao Bằng để bạn tham khảo.
Nếu đã du lịch Cao Bằng, trải nghiệm một ngày rong ruổi chinh phục núi non hùng vĩ sẽ thật là đáng tiếc nếu bạn và người thương bỏ lỡ cảm giác được đắm mình trong không gian của Tộc Cà Phê – quán cafe đẹp ở Cao Bằng đã và đang gây sốt với phượt thủ. Có vô vàn lý do khiến Tộc Cà Phê đủ sức hút trở thành những điểm 'nhất định phải check in' đối với du khách đến vậy!
Nằm ngay trên con phố Kim Đồng, tuyến phố trung tâm nhất của thành phố, đối diện rạp hát ngoài trời, khu vực tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ, bạn có thể dễ dàng tìm thấy Tộc Cà Phê mộc mạc, xinh xắn giữa dãy quán xá rực rỡ sắc màu. Phía ngoài quán được trang trí bởi những dây ngô đậm chất dân tộc. Gam màu từ gạch cũ cùng gỗ khiến cho Tộc Cà Phê trông ấm cúng, rất miền núi và đậm chất cá tính. Phía trong là không gian trưng bày những vật dụng của người dân tộc.
Tới quán Tộc Cafe hẳn là một “thú vui đầy tao nhã” cho những ai thích nhâm nhi cốc cà phê hay món thạch đen cốt dừa làm từ lá thạch đen, một đặc sản không thể bỏ qua của Cao Bằng, đung đưa ngắm nhìn Tháp truyền hình hay đơn giản là đưa ánh nhìn mơ mộng xuống dòng sông Bằng Giang đang lặng lờ trôi. Có lẽ nhờ độ chất trong phong cách trang trí độc đáo mà Tộc Cà Phê ngay từ thời điểm mới khai trương đã nhanh chóng được lọt vào danh sách quán 'nhất định phải đến khi chinh phục Cao Bằng' của các phượt thủ. Một điểm cộng dành cho Tộc Cà Phê là đội ngũ nhân viên trong trang phục độc lạ khá thân thiện và dễ gần.
Địa chỉ: 201 Kim Đồng, P. Hợp Giang, Cao Bằng
Một địa điểm lý tưởng khác dành cho hai bạn vào ngày Valentine đó chính là Ly Eck - Cafe and Fast Food. Chắc chắn, nàng sẽ phải “thích mê” khi đến với quán cà phê vô cùng ấn tượng này đấy. Ly Eck - Cafe được bố trí theo phong cách hiện đại, mỗi góc quán lại có một nét đẹp khác nhau. Nơi đây sẽ mang đến cho hai bạn một không gian riêng hết sức lãng mạn. Đến đây bạn sẽ vô cùng ấn tượng với phong cách thiết kế theo kiểu sang trọng, mang đến những không gian riêng tư rất thích hợp cho các cặp đôi.
Đây là quán cafe đẹp nhất Cao Bằng, là thiên đường sống ảo, view đẹp không tì vết như chụp ảnh cưới với giàn hoa tử đằng lung linh gắn trên trần nhà và ánh nến lung linh vào buổi tối như mê cung huyền bí. Không những thế, giàn đèn thả dây lung linh khắp mọi nơi khiến bạn không thể cưỡng nổi, nhìn là muốn lôi điện thoại ra ngay. Bước vào quán bạn và người ấy sẽ bị choáng ngợp bởi bàn ghế tone màu xanh tươi mới da trời làm bằng đệm như trong cung điện, thêm vào đó đồ uống thì ngon miễn chê, đa dạng và phong phú được trang trí rất đẹp mắt. Vừa uống café vừa nhâm nhi vài cái bánh quy ngọt như phim Hàn Quốc ấy nhỉ. Đảm bảo bạn và người thương sẽ có một buổi hẹn hò mĩ mãn khi đến với Ly Eck - Cafe.
Địa chỉ: Phố Hòa Bình, Quảng Uyên, Cao Bằng
Café Vườn Phố là quán cafe view đẹp ở Cao Bằng, cũng sẽ là nơi rất tuyệt để các cặp đôi chọn làm nơi hẹn hò gặp gỡ, đảm bảo không gian của Café Vườn Phố sẽ tạo cho các bạn những cảm giác thật lãng mạn, nhất là khi bạn và người ấy chọn vị trí ngồi của mình là một bàn gần cửa sổ để có thể cùng tâm sự, nhâm nhi các loại thức uống và nhìn ngắm đường phố từ những ô cửa kính. Café Vườn Phố chính là thiên đường cho các cặp đôi yêu thích hòa mình với thiên nhiên cây cỏ để thưởng thức không khí mát lành. Từng chậu hoa nhỏ, hay những bức tranh được decor vô cùng ăn khớp, khiến cho không gian quán càng trở nên lung linh hơn. Ánh đèn vàng nhấp nháy giúp cho quán ảo diệu và đẹp lên rất nhiều. Café Vườn Phố là thánh địa cho những nàng mê sống ảo. Nếu tới đây bạn nhất định phải sạc đầy pin để có thể chụp ảnh cháy máy nhé.
Đội ngũ nhân viên đông đảo, nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng. Đặc biệt đồ uống và báng ngọt rất ngon, ăn một lần là nhớ mãi. Café Vườn Phố với cái tên thân mật được biết đến là cafe sân vườn, đây là địa điểm cung cấp những thức uống không thể chê vào đâu được, nhẹ nhàng nhưng đầy quyến rũ. Một chiếc menu với không quá nhiều món ăn, đồ uống nhưng bù lại là cái tâm của những người nhân viên đặt vào từng ly nước mang cho khách, là yếu tố khiến hương vị vốn đã tuyệt vời nay càng thêm tuyệt vời hơn. Vậy nên, đây sẽ là một điểm đến tuyệt vời dành cho các cặp tình nhân trong ngày Valentine.
Địa chỉ: 44 Kim Đồng, Hợp Giang, Cao Bằng
Time coffee & tea là quán chuyên kinh doanh các loại thức uống nguyên chất, đảm bảo độ tươi ngon và không gian trải nghiệm đẹp mắt dành cho mọi khách hàng với không gian trong nhà ấm cúng, đầy đủ tiện nghi, thiết kế đẹp mắt, không dừng ở đó quán còn có không gian ngoài trời phục vụ trà chanh vô cùng thoáng mát, sạch sẽ được phục vụ bởi những bạn nhân viên dễ mến, sẵn sàng phục vụ bạn khi bạn cần, hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn những giây phút thư giãn nhất cùng với bạn bè và người thương!
TIME coffee & tea Cao Bằng đã thành công trong việc kết hợp hương vị trà đặc trưng cùng những nguyên liệu hấp dẫn để tạo ra những ly trà thơm ngon, lạ miệng, cũng đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Điểm mạnh của TIME coffee & tea đó là quản trị thương hiệu vô cùng tốt, với nhãn hàng uy tín, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có chuyên môn, phục vụ nhiệt tình, chu đáo, chất lượng sản phẩm vô cùng hoàn hảo. Một điểm cộng của TIME coffee & tea là vị trí quán khá đẹp nằm ở trung tâm, view khá hút mắt, không gian quá được bày trí tinh và đẹp mắt.
Địa chỉ: tổ 6 Bế Văn Đàn, TP Cao Bằng, Cao Bằng
Bạn muốn tìm một quán cà phê có không khí vui tươi, trẻ trung và năng động để trải qua cùng người ấy trong khoảnh khắc Valentine đầy lãng mạn? Vậy thì hãy đến với Home Cafe nhé. HOME Cafe tại Cao Bằng chắc chắn là một nơi nhất định không thể bỏ qua. Không gian tại đây mọi ngóc ngách trong quán đều là những khu vực lý tưởng cho các bạn thỏa sức sáng tạo và chụp ảnh.
HOME Cafe mong muốn đem lại một không gian ấm cúng và thoải mái nhất cho từng người bạn đến với Home Cafe. Quán Home Cafe cũng mong bạn hãy xem HOME Cafe như là nhà của mình, tự do, thoải mái và sáng tạo. Đồ uống tại đây được đánh giá khá tốt, không gian thoáng đãng, nhân viên phục vụ tận tình, nhanh nhẹn... Tất cả chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng trong buổi lễ tình nhân đầy lãng mạn.
Địa chỉ: Số 79 Phố Kim Đồng, P Hợp Giang, TP Cao Bằng
Nếu như các bạn đang thắc mắc không biết du lịch Cao Bằng nên ở khách sạn nào? thì ngay sau đây Hitour sẽ cung cấp danh sách những khách sạn Cao Bằng tốt nhất hiện nay nhé. Những khách sạn này đều được lựa chọn dựa trên các tiêu chí dịch vụ, tiện nghi, vị trí, thái độ phục vụ của nhân viên nên các bạn cứ yên tâm.
Max Boutique Hotel cung cấp chỗ nghỉ 3 sao với sân hiên tại thành phố Cao Bằng. Trong số các tiện nghi của khách sạn này có nhà hàng, lễ tân 24 giờ, dịch vụ phòng cũng như WiFi miễn phí trong toàn bộ khuôn viên. Khách sạn cung cấp các phòng gia đình.
Khách sạn tại Cao Bằng này được trang bị máy điều hòa, truyền hình cáp màn hình phẳng, tủ lạnh, ấm đun nước, chậu rửa vệ sinh (bidet), máy sấy tóc và bàn làm việc. Mỗi phòng đều có tủ để quần áo và phòng tắm riêng. Khách nghỉ tại Max Boutique Hotel có thể thưởng thức bữa sáng kiểu lục địa.
Địa chỉ: 117 Đường Vườn Cam, Thành Phố Cao Bằng
Tọa lạc tỉnh Cao Bằng, Gia Quý Hotel có sân hiên. Các tiện nghi của chỗ nghỉ bao gồm dịch vụ lễ tân 24 giờ, dịch vụ phòng và WiFi miễn phí trong toàn bộ khuôn viên. Khách sạn cũng cung cấp chỗ đỗ xe riêng miễn phí và dịch vụ cho thuê xe máy cho những khách muốn khám phá khu vực xung quanh.
Phòng nghỉ của khách sạn Cao Bằng này được trang bị máy điều hòa, truyền hình cáp màn hình phẳng, tủ lạnh, ấm đun nước, chậu rửa vệ sinh (bidet), máy sấy tóc và tủ để quần áo. Phòng tắm riêng đi kèm vòi sen và đồ vệ sinh cá nhân miễn phí. Khu vực ghế ngồi cũng được trang bị trong phòng. Gia Quý Hotel phục vụ bữa sáng tự chọn hàng ngày.
Địa chỉ: Số 007 Đường Hoàng Đình Giong, Phường Hợp Giang, Thành Phố Cao Bằng, Cao Bằng.
Jeanne Hotel được rất nhiều du khách lựa chọn làm điểm dừng chân khi đến với vùng đất Cao Bằng bởi sự thuận tiện cho việc đi lại và tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà khách sạn này mang lại. Jeanne Hotel là khách sạn tốt tại Cao Bằng sẽ khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy hài lòng. Sự sạch sẽ, thoáng mát và những dịch vụ khách sạn tuyệt vời sẽ khiến bạn chỉ muốn đến mà không muốn rời đi.
Phòng tại Jeanne Hotel Cao Bằng có đầy đủ trang thiết bị tiện nghi phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của bạn. Bên cạnh đó, khách sạn có nhiều phóng với view đẹp, thoáng mát, đem đến trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. Nếu đến với Cao Bằng thì đừng quên ghé qua và trải nghiệm dịch vụ lưu trú tại Jeanne Hotel bạn nhé!
Địa chỉ: 99 Kim Đồng, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Khách sạn Á Đông là khách sạn 2 sao có vị trí tiện lợi do nằm giữa tuyến đường chính đi đến các điểm danh lam thắng cảnh của Cao Bằng. Chính vì vậy, khách sạn Á Đông là một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Các tiện ích dịch vụ của khách sạn Á Đông mà bạn có thể trải nghiệm nổi bật như tắm thuốc bắc, thưởng thức các đặc sản các vùng miền đặc biệt... chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng. Nếu có dịp đến với Cao Bằng, hãy ghé qua khách sạn Á Đông để trải nghiệm dịch vụ lưu trú tuyệt vời tại đây bạn nhé!
Địa chỉ: tổ 6, Ngọc Xuân, TP. Cao Bằng
Sunny Hotel tọa lạc ngay trung tâm thành phố Cao Bằng là một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Sunny Hotel là khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao nên hiển nhiên được trang bị cơ sở vật chất vô cùng hiện đại, mang đến sự thoải mái và thư giãn tuyệt vời. Sunny Hotel giúp cho cho việc tham quan các điểm du lịch, mua sắm và giải trí của bạn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Nếu bạn băn khoăn không biết tìm khách sạn nào tốt ở Cao Bằng để lưu trú thì có thể cân nhắc đến Sunny Hotel. Với chất lượng dịch vụ đảm bảo, Sunny Hotel sẽ đáp ứng tốt nhu cầu cũng như khiến bạn cảm thấy thoải mái, hài lòng.
Địa chỉ: số 040 Kim Đồng, TP. Cao Bằng
Khách sạn Sơn Tùng là khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, tọa lạc ngay giữa trung tâm TP. Cao Bằng. Với vị trí rất tuyệt vời và lý tưởng, cách bến xe 800 m, gần các trung tâm thương mại, khách sạn Sơn Tùng rất phù hợp cho các chuyến đi công tác và tham quan mua sắm... Đội ngũ nhân viên nhiệt tình, chuyên nghiệp của khách sạn Sơn Tùng chắc chắn sẽ đem đến cho bạn sự hài lòng.
Nhìn chung, đây là một trong số những khách sạn ở Cao Bằng có chất lượng tốt, nhận được nhiều đánh giá tích cực từ du khách mà bạn có thể cân nhắc chọn lựa.
Địa chỉ: số 01, tổ 31, Hồng Việt, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Khách sạn Minh Hoàng là một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Tọa lạc ngay trên trục phố chính của thành phố, mặt tiền hướng ra sông Bằng Giang hiền hòa và thơ mộng, khách sạn Minh Hoàng là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách đến lưu trú và du lịch tại Cao Bằng. Phòng nghỉ của khách sạn Minh Hoàng được thiết kế trang nhã, trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, góp phần mang đến sự thoải mái, thư giãn cho bất kỳ ai.
Địa chỉ: số 98 Kim Đồng, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Khách sạn Kim Đồng Cao Bằng chỉ mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2016 những đã trở thành một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Khách sạn Kim Đồng được đánh giá là khách sạn đẹp, sang trọng, phù hợp với đa dạng nhu cầu nghỉ dưỡng của bất kỳ ai. Hệ thống phòng nghỉ của khách sạn đẹp này vô cùng tiện nghi, hiện đại mang đến cho khách lưu trú một không gian nghỉ ngơi hoàn hảo, làm hài lòng cả những người khó tính nhất.
Địa chỉ: số 155 Kim Đồng, TP. Cao Bằng
Khách sạn Bằng Giang Cao Bằng được bao quanh bởi con sông Bằng Giang thơ mộng, ngay cạnh là các trung tâm thương mại, công viên, các tuyến đường dẫn đến những khu du lịch nổi tiếng… tạo điều kiện thuận tiện cho việc tham quan, mua sắm của bạn. Khách sạn Bằng Giang chính là điểm dừng chân vô cùng lý tưởng cho du khách khi đến với thành phố Cao Bằng. Khách sạn Bằng Giang được xây dựng theo phong cách mở, các phòng nghỉ sang trọng, hiện đại, cửa sổ và ban công nhìn ra trung tâm thành phố... Tất cả sẽ mang đến cảm giác thoải mái, không gian thoáng đãng nhưng cũng rất yên tĩnh và riêng tư.
Địa chỉ: số 001 Kim Đồng, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Khách sạn Đức Trung Cao Bằng là một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Khách sạn tốt này tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố Cao Bằng, bao gồm 30 phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Trang thiết bị, vật chất hiện đại, dịch vụ chuyên nghiệp cùng phong cách phục vụ thân thiện, nhiệt tình của đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm tại khách sạn Đức Trung, chắc chắn sẽ mang đến cho du khách một kỳ nghỉ hoàn hảo.
Địa chỉ: số 85 Bế Văn Đàn, TP. Cao Bằng
Khách sạn Hoa Việt Cao Bằng sở hữu 20 phòng và nhà hàng có sức chứa lên tới hơn 120 khách. Tất cả đều được được trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại. Có thể nói, khách sạn Hoa Việt là điểm dừng chân tuyệt vời, thực sự thuận tiện cho những ai đến Cao Bằng thăm quan, nghỉ dưỡng hay công tác. Khách sạn Hoa Việt sẽ mang đến cho bạn bầu không khí thân thiện, các dịch vụ chất lượng, đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp.
Địa chỉ: số 14 Kim Đồng, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Khách sạn Thành Loan Cao Bằng là một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Khách sạn Thành Loan 1 đạt tiêu chuẩn 1 sao, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Cao Bằng với an ninh tốt, có vị trí thuận tiện để bạn có thể dễ dàng khám phá Cao Bằng. Khách sạn Thành Loan 2 là khách sạn 2 sao với hệ thống phòng nghỉ thoáng, yên tĩnh, sân vườn rộng rãi, cực kỳ thích hợp với những ai có nhu cầu nghỉ ngơi yên tĩnh. Dù lựa chọn cơ sở nào thì chắc chắn cũng đều là những khách sạn tốt tại Cao Bằng mà bạn không nên bỏ qua.
Địa chỉ: số 131, tổ 23, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Sáng 05h30: Xe và hướng dẫn đón Quý khách tại điểm hẹn khởi hành bắt đầu chương trình Tour du lịch Cao Bằng 2 ngày 1 đêm. 06h30 trên đường dừng chân nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân, ăn sáng (chi phí tự túc). 07h00 Quý khách tiếp tục hành trình đi Cao Bằng qua những cung đường đèo nổi tiếng như đèo Giàng, đèo Gió, đèo Cao Bắc,...
Trưa: Đến Cao Bằng đoàn thưởng thức bữa trưa tại nhà hàng với những món ăn đặc sản của Cao Bằng. Sau đó nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi.
Chiều 14h00: Quý khách tham quan khu di tích hang Pác Pó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm chỗ ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc (08/02/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam với hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, hang Cốc Pó, suối Lê-nin, núi Các Mác, suối Nậm, lán Khuổi Nặm, mốc 108. Đoàn ghé thăm khu di tích anh hùng liệt sỹ Kim Đồng, thuộc Cụm di tích lịch sử cách mạng, nơi ghi nhớ công lao của người Anh hùng và khắc ghi nơi thành lập Đội nhi đồng cứu quốc đầu tiên.
Tối: Đoàn thưởng thức bữa tối tại nhà hàng với những món ngon đặc sản Cao Bằng. Sau đó nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi và tự do tản bộ và tham quan thành phố về đêm, nhâm nhi ly cà phê, hít thở không khí trong lành mát mẻ.
Sáng 07h00: Đoàn dùng bữa sáng, sau đó trả phòng khách sạn. Xe đưa quý khách đi tham quan thác Bản Giốc nằm tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Quý khách cảm nhận được thiên nhiên hùng vĩ cảnh đẹp hữu tình, thác Bản Giốc là một trong ba thác nước tự nhiên 3 tầng đẹp nhất Đông Nam Á. Với những thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn tạo nên một không gian lung linh, huyền ảo. Tiếp chương trình tour là tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Cao Bằng – Nơi phong cảnh hữu tình và là cái nôi của phật pháp thâm thúy. Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc - ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ Quốc.
Trưa: Quý khách dùng cơm trưa tại Bản Giốc, sau đó tự do nghỉ ngơi.
Chiều: Đoàn khởi hành tham quan Động Ngườm Ngao, động đá vôi được hình thành cách đây 300 triệu năm trước Công Nguyên. Cùng với thời gian, những nhũ đá và măng đá đã tạo nên những khung cảnh thật sinh động, kì thú khiến con người phải thán phục, kinh ngạc. 14h30 đoàn lê xe trở về Hà Nội. Trên đường quý khách sẽ dùng bữa ăn nhẹ.
Tối 21h00: Xe đưa đoàn về đến Hà Nội. Kết thúc chương trình Tour du lịch Cao Bằng 2 ngày 1 đêm. Tạm biệt Quý khách và hẹn gặp lại!
Sáng 07h00: Xe và hướng dẫn đón Quý khách tại điểm hẹn khởi hành bắt đầu chương trình Tour du lịch Cao Bằng 3 ngày 2 đêm. Trên đường đi Hồ Ba Bể đoàn sẽ dừng chân nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân, ăn sáng (chi phí tự túc).
Trưa: Đến Hồ Ba Bể đoàn thưởng thức bữa trưa tại nhà hàng với những món ăn đặc sản ngon tại đây. Sau đó nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi tại bản Pác Ngòi.
Chiều 14h00: Đoàn khởi hành tham quan khu du lịch Hồ Ba Bể 1 trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới (xếp hạng bởi UNESCO) - là địa danh nổi tiếng thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tham quan mỗi năm. Người dân gọi Hồ Ba Bể là trái tim xanh của của Vườn quốc gia Ba Bể bởi vai trò điều tiết nguồn nước cho những khu vực xung quanh. Hướng dẫn viên cùng Quý khách bách bộ đến bến thuyền Pác Ngòi để lên thuyền tham quan Hồ Ba Bể vừa thư giãn ngắm cảnh hồ, tự do chụp hình và ghé thăm các điểm sau: Ao tiên rộng hơn 3,000 m2, được bao bọc bởi núi đá vôi và rừng già nguyên sinh, nước ao trong xanh, mát lạnh. Đến Ao Tiên du khách còn được ngắm nhìn những dấu chân trên đá và nghe câu chuyện huyền thoại về chàng thợ săn và bảy nàng tiên nữ. Đảo Bà Góa - một hòn đảo nhỏ xinh xắn nằm ngay vị trí trong tâm của Hồ, gắn liền với sự tích hình thành của Hồ. Thuyền dừng lại ở đảo Bà Góa để Quý khách có thể mặc áo phao và đắm mình trong làn nước trong xanh và mát lạnh của Hồ (Đoàn có khoảng 30 phút tắm hồ). Đền An Mạ Tương truyền, trong chiến tranh phong kiến thời Lê - Mạc, các tướng nhà Mạc đã thất trận, chạy đến Động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Cảm kích tinh thần trung liệt, người dân đã dựng đền thờ họ Mạc, song lo bị quan quân nhà Lê dẹp bỏ nên đã đổi tên thành Đền An Mạ. Hai từ “An Mạ” theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là “mồ yên mả đẹp”, nơi yên nghỉ của các trung thần họ Mạc. 17h00 đoàn trở lại Homestay để tắm rửa, nghỉ ngơi hoặc nhâm nhi ly cafe trong buổi chiều tà.
Tối: Đoàn thưởng thức bữa tối tại nhà hàng với những món ngon đặc sản Ba Bể. Sau đó tự do tản bộ dạo quanh Ba Bể về đêm, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại hoặc nghe biểu diễn hát Then của người Tày (chi phí tự túc)
Sáng 06h30: Đoàn dùng bữa sáng, sau đó trả phòng khách sạn. Xe đưa quý khách khởi hành đi Cao Bằng. Trên đường Quý khách chinh phục liên tục những con đèo với cảnh đẹp của núi rừng như: đèo Gió, đèo Khau Khang, đèo Tài Hồ Sìn, đèo Cao Bắc, đèo Mã Phục,...
Trưa: Quý khách dùng cơm trưa tại thị trấn Quảng Uyên, sau đó tự do nghỉ ngơi.
Chiều: Đoàn khởi hành tham quan Cao Bằng theo trình tự sau: Thác Bản Giốc nằm tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Quý khách cảm nhận được thiên nhiên hùng vĩ cảnh đẹp hữu tình, thác Bản Giốc là một trong ba thác nước tự nhiên 3 tầng đẹp nhất Đông Nam Á. Với những thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn tạo nên một không gian lung linh, huyền ảo. Thiền Viện Trúc Lâm Cao Bằng – Nơi phong cảnh hữu tình và là cái nôi của phật pháp thâm thúy. Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc - ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ Quốc. Động Ngườm Ngao, động đá vôi được hình thành cách đây 300 triệu năm trước Công Nguyên. Cùng với thời gian, những nhũ đá và măng đá đã tạo nên những khung cảnh thật sinh động, kì thú khiến con người phải thán phục, kinh ngạc. 14h30 đoàn lê xe trở về Hà Nội. Trên đường quý khách sẽ dùng bữa ăn nhẹ. 17h30 ghé thăm làng rèn dao Phúc Sen nổi tiếng có truyền thống từ rất lâu đời.
Tối 18h30: Về tới Cao Bằng, nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi và ăn tối. Buổi tối tự do khám phá thành phố Cao Bằng về đêm. Nghỉ đêm tại Cao Bằng.
Sáng 06h30: Đoàn dùng bữa sáng, sau đó trả phòng khách sạn. Xe đưa quý khách đitham quan khu di tích hang Pác Pó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm chỗ ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc (08/02/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam với hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, hang Cốc Pó, suối Lê-nin, núi Các Mác, suối Nậm, lán Khuổi Nặm, mốc 108. Đoàn ghé thăm khu di tích anh hùng liệt sỹ Kim Đồng, thuộc Cụm di tích lịch sử cách mạng, nơi ghi nhớ công lao của người Anh hùng và khắc ghi nơi thành lập Đội nhi đồng cứu quốc đầu tiên.
Trưa: Quý khách dùng cơm trưa tại Pác Pó, sau đó tự do nghỉ ngơi và lên xe về Hà Nội.
Tối 18h30: Xe đưa đoàn về đến Hà Nội. Kết thúc chương trình Tour du lịch Cao Bằng 3 ngày 2 đêm. Tạm biệt Quý khách và hẹn gặp lại!
Du lịch Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những nét hoang sơ vô cùng kỳ thú với núi rừng hùng vĩ, ngoài không khí trong lành, cảnh sắc đẹp như tranh vẽ và ẩm thực siêu ngon, bạn còn có cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm độc đáo về văn hoá của vùng đất Tây Bắc này. Hãy cùng bỏ túi ngay những kinh nghiệm du lịch Cao Bằng tự túc sau đây để khám phá những nét độc đáo không thể bỏ lỡ của vùng đất này nhé!
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc, phía Bắc và Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc), đường biên giới dài trên 333 km, phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Theo chiều Bắc – Nam 80 km (từ xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm đến xã Quang Trọng, huyện Thạch An). Theo chiều Đông – Tây 170 km (từ xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang đến xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm).
Cao Bằng sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa giá trị như khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích chiến dịch biên giới Đông Khê. Thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thăng Hen; khu rừng sinh thái đặc dụng Phja Oắc-Phja Đén…Với sự đa dạng, phong phú về tài nguyên thiên nhiên và một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, Cao Bằng là một trong những địa điểm du lịch các bạn nên khám phá.
Ở Cao Bằng, mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng. Nếu chưa từng đến đây, thì dù bạn đi du lịch mùa nào Cao Bằng cũng mang đến cho bạn những cảm nhận mới mẻ và vô cùng đặc biệt.
Tuy vậy, theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng của những người đi trước, Cao Bằng thu hút du khách nhất vào hai thời điểm trong năm. Với những người muốn ngắm thác Bản Giốc đổ dài con nước và trong xanh tuyệt đẹp sẽ chọn thời điểm tháng 8-9 hàng năm. Tháng 11-12 là khi Cao Bằng cũng ngợp trời hoa tam giác mạch và dã quỳ vàng rực các cung đường.
Mùa hè nắng nóng có thể khiến tour du lịch của bạn có phần mệt mỏi. Vậy nhưng, du lịch Cao Bằng mùa hè không phải không có sự thú vị riêng của nó. Bạn có thể trốn nắng ở nơi núi rừng bạt ngàn, ngồi hóng gió ngắm suối reo cá nhảy. Đặc biệt hơn, mùa hè cũng là mùa mận chín thơm khắp núi rừng Cao Bằng. Bạn sẽ tha hồ thưởng thức mận rừng và các loại quả mùa hè ở miền biên ải này.
Cao Bằng có địa hình tương đối phức tạp. Hệ thống giao thông hiện nay chỉ có đường bộ, gồm bốn tuyến quốc lộ: 3, 4A, 34 và 4C trong đó có quốc lộ 3 và quốc lộ 4 đã được cải tạo, nâng cấp. Đến nay, hệ thống giao thông tạm đáp ứng tốt các nhu cầu vận tải hành khách.
Nếu bạn du lịch Cao Bằng bằng xe khách thì bạn chỉ cần ra bến xe Mỹ Đình để đón xe đi Cao Bằng. Mỗi ngày có khoảng 3 chuyến xe chạy tuyến Mỹ Đình – Cao Bằng, và cả 3 tuyến này đều chạy buổi tối, giá vé khoảng 180,000đ - 200,000đ /người /chiều (tùy từng nhà xe).
Khi đến bến xe Cao Bằng, bạn bắt tiếp xe lên Bản Giốc hoặc Trùng Khánh rồi thuê xe tự lái hoặc xe ôm, taxi đến Bản Giốc. Tuy nhiên, các bạn nên đi thẳng từ bến xe Cao Bằng lên Bản Giốc cho gần, chứ Trùng Khánh cách Cao Bằng 65km và Bản Giốc 20km, đi lại tốn nhiều thời gian và tiền bạc.
Một số hãng xe từ Hà Nội đi Cao Bằng:
Nếu bạn là người ưa thích trải nghiệm và khám phá thì hãy chọn cung đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên bởi đây là một cung đường khá đẹp. Tuy nhiên đường lên Cao Bằng có khá nhiều đèo dốc quanh co và có nhiều xe tải cỡ lớn, nên bạn cùng không nên mạo hiểm bằng xe máy nếu như không có một người bạn đồng hành dày dặn kinh nghiệm cùng đi. Khi đi bằng xe máy, tuyệt đối bạn đừng bao giờ lấn đường để giữ an toàn trong hành trình chinh phục và khám phá của mình.
Đường lên Cao Bằng chỉ duy nhất là đường bộ. Có 3 lộ trình để bạn đến với Cao Bằng:
Thiên nhiên đã ban tặng cho Cao Bằng nhiều núi cao, sông hồ, thác nước và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ rất thích hợp với du lịch ngoạn cảnh, nghỉ ngơi. Cao Bằng cũng chính là cái nôi của Cách mạng Việt Nam, hãy cùng khám phá cẩm nang du lịch Cao Bằng chi tiết những địa điểm hấp dẫn này nhé!
Thác Bản Giốc, Trung Quốc gọi là cặp thác Đức Thiên-Bản Ước (tiếng Trung: 德天-板約; bính âm: Détiān – Bǎnyuē), là một hoặc hai thác nước nằm trên sông Quây Sơn tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nếu nhìn từ phía dưới chân thác, phần thác bên trái và nửa phía tây của thác bên phải thuộc chủ quyền của Việt Nam tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; nửa phía đông của thác bên phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc tại thôn Đức Thiên, trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Thác nước này cách huyện lỵ Trùng Khánh khoảng 20 km về phía đông bắc, cách thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây khoảng 208 km.
Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn (歸春河, âm Hán Việt là “Quy Xuân hà”). Sông này bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy về hướng biên giới hai nước rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh. Từ xã Ngọc Khê, sông chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thuỷ, dòng sông lượn quanh dưới chân núi Cô Muông rồi qua các cánh đồng của Đàm Thuỷ, qua bãi ngô trên bản Giốc, quay trở lại đường biên giới rồi tách ra thành nhiều nhánh. Lòng sông ở đó đột ngột trụt xuống khoảng 35 m, tạo thành thác Bản Giốc. Sau khi đổ xuống chân thác, sông quay hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc.
Thác Bản Giốc Cao Bằng là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia (Sau thác Iguazu giữa Brasil – Argentina, thác Victoria nằm giữa Zambia – Zimbabwe; và thác Niagara giữa Canada và Hoa Kỳ)
Truyền thuyết kể rằng, có người con gái đẹp tuyệt trần được tiến vua nhưng liều mình trốn thoát cùng người mình yêu. Sau khi tìm được nhau, họ cùng chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Dân bản chứng kiến trời đổ mưa tầm tã cả tuần liền. Nước ngập khe suối, không ai dám ra ngoài vì mưa to kèm sấm sét dữ dội. Kỳ lạ thay, khi mưa tạnh, người ta thấy có hai ngọn thác lớn đổ nước trắng xóa phía bên cạnh bản. Dưới chân thác, mặt nước lại trong xanh hiền hòa như không vướng víu bụi trần. Kể từ đó, người dân gọi nơi đây là thác Bản Giốc để tưởng nhớ về một thời gái bản tiến vua, cũng là niềm tự hào của người Tày với sắc đẹp trời ban.
Thác Bản Giốc, ngọn thác ào ào chảy bên những thửa ruộng chín vàng ban ngày và bầu trời sao ban đêm, tạo khung cảnh ấn tượng giữa núi rừng hùng vĩ.
Tháng 9, tháng 10 là thời gian lý tưởng du lịch thác Bản Giốc, khi nước nhiều mà trong xanh, các dòng thác tuôn chảy tung bọt trắng xóa. Mùa này, nước dòng Quây Sơn có màu ngọc bích trong tiết trời vào thu. Trên mặt sông, hơi nước hình thành một khoảng sương mù, khi soi rọi dưới ánh nắng mang đến khung cảnh huyền ảo. Thời gian này cũng là mùa lúa chín bên thác Bản Giốc đã chín vàng cả một vùng.
Tại thác, du khách có thể thuê bè tre của người dân để tham quan xung quanh, với giá khoảng 50,000đ /người.
Về đêm thác Bản Giốc đẹp lung linh đầy sao trời sáng lấp lánh như những dải ngân hà.
Lễ hội du lịch thác Bản Giốc Cao Bằng vừa diễn ra trong hai ngày 5 và 6/10. Chương trình có các hoạt động như Lễ hội ánh sáng thác Bản Giốc tại khu vực chân thác (tối 5/10); Lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa tại chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (sáng 6/10); trưng bày gian hàng giới thiệu sản vật, đặc sản, văn hóa ẩm thực của địa phương...
Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, nằm sát biên giới Việt – Trung, cách thành phố Cao Bằng hơn 50km. Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc qua cột mốc 108. Người đã chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong nhiều năm tháng của những năm 1941 – 1945. Tại đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện về chính trị và quân sự cho các cán bộ cách mạng tỉnh Cao Bằng, dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô ra tiếng Việt, soạn thảo và xuất bản các tài liệu cách mạng: Lịch sử nước ta, Địa dư Bắc Kỳ, Địa dư Cao Bằng; tài liệu huấn luyện quân sự: Cách đánh du kích, Kinh nghiệm du kích Nga, Kinh nghiệm du kích Tàu…
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, Khu di tích lịch sử Pác Bó trở thành một trong những khu di tích quan trọng của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Sau khi Bác mất năm 1969, để tỏ òng thành kính đối với công lao vĩ đại của Bác và để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư, tôn tạo Khu di tích để phục vụ khách tham quan. Tháng 2 /1971, Nhà bảo tàng Pác Bó được khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu.
Ngày 21/02/1975, Khu di tích Pác Bó đã được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử cách mạng. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhưng Khu di tích vẫn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước. Khu di tích Pác Bó vẫn duy trì hoạt động, công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ngày càng được quan tâm, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan khu di tích ngày càng đông…
Tạm quên những bãi biển trải dài, đầy nắng, suối Lê-Nin ở Cao Bằng sẽ giúp bạn thư giãn đúng nghĩa với khung cảnh xanh mát, nên thơ.
Cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 50 km về phía Bắc, suối Lê-Nin thuộc di tích lịch sử Pác Pó, huyện Hà Quảng. Khung cảnh hoang sơ, thơ mộng nơi đây ngày càng thu hút khách du lịch ghé tham quan.
Con suối với làn nước trong vắt tạo nên một không gian ấm áp, tràn ngập vẻ đẹp thiên nhiên hoà quyện núi rừng
Đến đây, bạn sẽ ngỡ ngàng với độ trong và sạch của nước suối. Đứng trên bờ nhìn xuống, bạn có thể thấy được những đàn cá bơi lội, uốn lượn, tất cả tạo nên một không gian tự do, tự tại, hoà mình vào thiên nhiên
Nơi này "đốn tim" du khách bởi vẻ đẹp huyền diệu, kỳ vĩ, vừa mềm mại, yên ả lại vừa mạnh mẽ. Nếu muốn tìm về chốn an yên, nơi đây sẽ làm thoả lòng bạn. Đến đây, bạn sẽ có cảm giác như trút hết mọi muộn phiền, lo toan để hoà vào cuộc sống dung dị, an nhàn.
Trải qua khoảng thời gian thăng trầm và nhiều biến cố lịch sử, song cảnh sắc nơi đây vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Con suối ngày càng trở nên quyến rũ, thu hút du khách.
Bạn có thể du lịch suối Lê-Nin vào các tháng trong năm, trừ tháng 7, 8 nước suối ở đây chảy xiết và có màu đục. Ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng suối, các phòng trưng bày tranh ảnh, kỷ vật lịch sử cũng là điểm dừng chân thú vị chờ bạn khám phá.
Nếu có dịp, hãy ghé qua khu di tích Pác Bó để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con suối Lê-Nin bạn nhé. Khung cảnh như chốn thần tiên này hứa hẹn mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị.
Núi Các Mác thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là một ngọn núi nổi tiếng nằm trong khu di tích Pác Bó. Đây là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc sau khi trở về nước vào ngày 8 tháng 2 năm 1941. Bác đã đặt tên cho ngọn núi khi sống trong hang Cốc Bó bên trong khe núi Các Mác. Đây là một ngọn núi có rừng cây xanh tốt với địa thế vừa thông thoáng mà vừa bí mật. Người sống bên trong có thể dễ dàng nhìn ra bên ngoài nhưng người bên ngoài thì không thể nhận biết bên trong. Với vị thế như vậy, núi Các Mác không chỉ có giá trị lịch sử to lớn mà còn là một chốn sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp.
Dưới chân núi, bên ngoài hang Cốc Bó chính là nơi Bác Hồ vẫn thường bắc bếp nấu cơm. Men theo con đường đá rêu dọc sông Lê Nin, du khách còn có thể thấy vườn trúc Bác đã trồng hay vườn ổi nơi bác thường hái lá đun nước uống. Núi Các Mác Cao Bằng sở hữu những vách đá lớn, những bãi cỏ xanh rờn, những bụi cây dại um tùm cùng với nhiều cây rừng cổ thụ xum xuê leo qua những đoạn đá sỏi. Bên cạnh núi Các Mác, du khách có thể tham quan một số địa điểm du lịch cũng như di tích lịch sử quanh đó như suối Lê Nin, hang Cốc Bó, hang Diêm Tiêu, khu di tích lịch sử Pác Pó và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hang Cốc Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là một hang động nổi tiếng nằm trong khu di tích Pác Bó. Đây là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc sau khi trở về nước vào ngày 8 tháng 2 năm 1941. Bác đã đặt tên cho dòng suối trước cửa hang là “suối Lê-Nin” và ngọn núi sở hữu hang Cốc Bó là “núi Các Mác”. Hang Cốc Bó trong tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn” nằm bên sườn núi Các Mác, gần dòng chảy của suối Lê Nin. Vì trong lòng hang tối tăm, ẩm thấp, nhỏ hẹp, lạnh lẽo và nằm sâu trong khe núi nên thời đó không ai để ý tới, hang trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho Bác để hoạt động Cách mạng.
Khoảng trước năm 1979, hang Cốc Bó rộng khoảng 15 m², trước cửa hang có một con suối lớn chảy ngầm từ trong núi ra và nguồn của nó là bên phía Bắc của ngọn núi này và thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trong cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, quân Trung Quốc đã cho nổ mìn phá hủy hang Cốc Bó. Thế nhưng ngày nay, hang động đã được phục hồi lại như trước với mục đích phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.
Ngày nay, trong hang vẫn còn lại chiếc giường mà Hồ Chí Minh đã từng nằm nghỉ và cũng là chỗ làm việc của Bác. Đó chỉ là một tấm ván cũ đã nứt nẻ. Nằm sâu bên trong là bức tượng của Các Mác bằng thạch nhũ mà năm xưa Bác Hồ đã đặt tên. Dưới chân núi, bên ngoài khu du tích hang Cốc Bó chính là nơi Bác Hồ vẫn thường bắc bếp nấu cơm, đun nước uống dùng lá cây ổi làm chè. Bên cạnh hang Cốc Bó, du khách có thể tham quan một số địa điểm du lịch cũng như di tích lịch sử quanh đó như suối Lê Nin, hang Diêm Tiêu, khu di tích lịch sử Pác Pó và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hang Ngườm Pục là một hang nằm sâu trong dãy núi đá giáp ranh giữa xã Lê Lợi huyện Thạch An (Cao Bằng) và xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Hang có độ sâu gần 100 mét tính từ cửa vào, trải dài với hệ thống nhũ đá nguyên sơ và rất đẹp nhưng chưa được nhiều người biết đến. Địa hình trong hang tương đối hiểm trở, muốn đến đây khám phá thì du khách phải chui qua các khe đá hẹp, sườn núi hiểm trở.
Hang Ngườm Pục Cao Bằng mới được phát hiện nên trước đó chưa nằm trong danh sách các điểm danh lam, thắng cảnh của Cao Bằng. Với vẻ đẹp hấp dẫn và được chia sẻ qua mạng xã hội vào thời gian gần đây, Ngườm Pục đang thu hút khá nhiều du khách đến khám phá.
Động Ngườm Ngao ẩn mình trong ngọn núi hùng vĩ tại bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, động Ngườm Ngao cách Thác Bản Giốc chừng 3km.
Hang động này có lịch sử hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm. Bởi sự phát hiện và đưa vào khai thác du lịch chưa lâu nên Ngườm Ngao vẫn giữ trọn nét đẹp hoang sơ vốn có.
Ngườm Ngao theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là hang Cọp. Du khách sẽ được người dân địa phương kể nhiều câu chuyện xung quanh tên gọi hang động. Trong đó, người ta tin rằng, xưa kia có nhiều hổ dữ sinh sống ở trong động. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng tên gọi xuất phát từ việc đứng ở trong động, nghe tiếng nước chảy hòa vào nhau giống như tiếng hổ gầm nên thường gọi là Hang Hổ.
Theo Tour thác Bản Giốc để đến được động Ngườm Ngao, du khách sẽ phải đi qua nhiều đoạn đường quanh cao, nguy hiểm. Dù vậy, cung đường này luôn khiến phượt thủ cảm thấy thích thú.
Từ thành phố Cao Bằng, di chuyển theo đường vượt Đèo Mã Phục và cả đèo Khau Liên chừng 60km. Đến được thị trấn Trùng Khánh, bạn tiếp tục đi thêm quãng đường dài gần 30km sẽ bắt gặp Thác Bản Giốc. Đường gần đến thác, theo hướng đường tỉnh lộ 206, bạn thấy biển chỉ dẫn về động Ngườm Ngao thì rẽ vào.
Du lịch động Ngườm Ngao vào ùa nước bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9. Lúc này động có nhiều dòng nước chảy, khi có ánh điện sáng chiếu vào, toàn cảnh động hiện lên chẳng khác nào những viên ngọc vô cùng lấp lánh. Đi tour Thác Bản Giốc từ Hà Nội đến đây, đặt chân vào bên trong động, du khách cảm nhận được bầu không khí cực kỳ thoáng đãng, trong lành, thậm chí là se lạnh. Thời điểm tháng 10 đến tháng 4 năm sau, Cao Bằng bước vào mùa khô. Động Ngườm Ngao lúc này không còn nước nên việc di chuyển, thám hiểm của khách du lịch Cao Bằng diễn ra thuận tiện, dễ dàng hơn rất nhiều.
Động Ngườm Ngao có chiều dài lên đến 2,144 m, có 3 cửa chính: Cửa Ngườm Ngao, Cửa Ngườm Lồm, Cửa Bản Thuôn.
Không chỉ sở hữu không gian vô cùng rộng lớn, động Ngườm Ngao còn được tạo hóa ưu ái ban tặng hệ thống nhũ đã độc đáo, mọc từ trên xuống hay nhô từ mặt đất lên, kích thước to nhỏ khác nhau. Tất cả đan xen với nhau tạo thành một mê cung kỳ diệu.
Khách du lịch sẽ thoải mái phát huy trí tưởng tượng của mình về hình thù nhũ đá kỳ thú. Lúc thì như những búp sen đang nở rộ, khi thì như nàng thiếu nữ đang chải mái tóc dài…
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của động Ngườm Ngao Cao Bằng đó là màu sắc nhũ đá khác lạ. Điều này xuất phát từ lượng canxi chứa nhiều tạp chất khác nhau.
Nhờ diện tích rộng lớn mà động Ngườm Ngao được chia thành nhiều khu vực. Khu ‘tứ trụ’: Có 4 cột đá dựng thành vách tựa cột chống trời khổng lồ. Khu trung tâm có diện tích rộng nhất và khu châu báu cuối cùng. Tên gọi của khu châu báu xuất phát từ việc quy tụ nhiều tảng thạch nhũ lấp lánh, giống như vàng bạc kho báu ẩn giấu mình trong hang động.
Không chỉ thế, theo tour du lịch Cao Bằng khám phá động Ngườm Ngao, bạn còn bắt gặp một vài con suối nhỏ, nước chảy róc rách. Lối đi trong động đôi khi khiến du khách cảm thấy khó khăn, nhiều vách đá nhỏ hẹp chỉ vừa một người đi, hay có tảng nhũ đá chắn ngang khiến người đi phải cúi gập người mới qua được. Càng đi sâu vào bên trong hang động. Bạn sẽ càng thích thú khi được tận mắt chiêm ngưỡng tuyệt tác thiên nhiên dành tặng cho Ngườm Ngao.
Lưu ý khi đi vào mùa nước, hãy chuẩn bị đèn pin, trang phục thoải mái, nhất là đi giày thể thao tính năng chống nước hoặc dép cao su, đảm bảo cho độ bám đế tốt. Bởi thời điểm đó, trong hang động có nhiều nước nên dễ xảy ra tình trạng trơn trượt nguy hiểm.
Hồ Thang Hen là địa danh du lịch nổi tiếng có vị trí thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng. Nơi này có độ cao từ 1.500-1.700 so với mực nước biển và trở thành hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đẹp, cao nhất ở Việt Nam.
Diện tích hồ Thang Hen rộng nhất trong tổng số 36 hồ nước ngọt tại Trà Lĩnh, Cao Bằng. Mặc dù chúng được ngăn cách một cách riêng biệt, song lại thông nhau qua hệ thống hang động bên dưới lòng đất.
Bởi hình dáng hồ giống đuôi con ong nên người dân địa phương đã gọi hồ bằng tên Thang Hen. Khách du lịch thác Bản Giốc lựa chọn Thang Hen làm điểm dừng chân cho hành trình khám phá của mình sẽ bị khung cảnh thiên nhiên tuyệt sắc mê hoặc.
Hồ Thang Hen Cao Bằng có huyền thoại rất thú vị. Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa ở Cao Bằng có một chàng trai tên là Sung thông minh tuấn tú. Chàng thi đỗ làm quan và được vua ban thưởng bảy ngày vinh quy bái tổ. Về quê, chàng kết hôn cùng nàng Boóc xinh đẹp. Mải quyến luyến bên người vợ xinh đẹp mới cưới, chàng quên mất ngày trở về kinh. Đến đêm thứ bảy chàng mới sực nhớ, vội chia tay vợ và bố mẹ chạy về kinh. Giữa đêm tối trong rừng hoang, Chàng chạy được 36 bước chân thì ngã đầu đập vào núi rồi chết. 36 bước chân của chàng ngày nay là 36 cái hồ lớn nhỏ với những tên gọi khác nhau của tiếng địa phương thuộc huyện Trà Lĩnh. Tương truyền rằng nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thang Hen ngày nay.
Vẻ đẹp tựa tranh vẽ của hồ Thang Hen gợi cho khách du lịch tour Cao Bằng từ Hà Nội có cảm giác thích thú, muốn chìm đắm ở đó mãi không thôi. Khung cảnh non xanh nước biếc hữu tình chẳng khác nào cõi tiên. Sự xuất hiện của những áng mây bay lơ lửng quanh núi lại càng làm cho nơi đây thêm bí ẩn, huyền ảo.
Khu vực hồ có bờ vực đá dựng đứng cho phép du khách có thể dễ dàng quan sát những cây gỗ nghiến tuổi đời hàng trăm năm cùng nhiều giống hoa lan rừng. Môi trường tự nhiên tuyệt vời còn trở thành nơi lý tưởng để các loài động vật hoang dã sinh sống như chim gáy, gà gô, khỉ vàng.
Phong cảnh 4 mùa của Thang Hen Cao Bằng lại mang những nét đẹp quyến rũ rất riêng. Mùa xuân là lúc những thảm hoa dại đua nhau khoe sắc bên hồ. Vào mùa hạ nước lại dồi dào, mặt hồ căng mình rộng dài, thoai thoải như hình thoi. Đặc biệt, các đợt mưa lũ thường làm sông hồ miền núi đỏ đục, nhưng hồ Thang Hen Cao Bằng vẫn giữ được độ trong xanh bất định, in bóng tán rừng già xanh thẳm.
Mỗi thu sang, đông về, nước hồ Thang Hen lại cạn đi nhiều, chỗ sâu nhất lúc này chỉ chừng 5m, nhưng cảnh sắc vẫn thực sự tuyệt vời. Lòng hồ phẳng lặng tựa như tấm gương khổng lồ, soi chiếu cả mây trời và núi rừng khiến lòng người say đắm.
Du lịch hồ Thang Hen Cao Cằng bạn đừng quên trải nghiệm việc ngồi thuyền, trôi theo dòng nước hồ xanh biếc. Thỏa thích để thu trọn thiên nhiên tươi đẹp vào tầm mắt. Hoặc chỉ đơn giản là tản bộ quanh hồ, tận hưởng không khí khoáng đạt, trong lành cũng đủ thấy sự bình yên.
Theo kinh nghiệm du lịch Cao Bằng thì thời điểm tuyệt vời nhất để bạn hòa mình vào tiên cảnh Thang Hen chính là lúc mặt trời vừa lấp ló. Lúc này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hồ như chiếc gương màu ngọc bích phủ lên mình chiếc khăn voan màu trắng tinh tế. Ẩn hiện những ngọn núi thấp thoáng xung quanh. Tất cả mang đến một sớm mai lạ kỳ, đưa du khách tour Cao Bằng tách biệt khỏi cuộc sống hiện đại đầy xô bồ.
Chiêm ngưỡng đèo Mã Phục kỳ vĩ nằm ngay ranh giới phân chia địa phận giữa hai xã Nguyễn Huệ của huyện Hòa An và xã Quốc Toản thuộc huyện Trà Lĩnh. Nơi đây có nhiều ngọn núi nối tiếp nhau, cao thấp nhấp nhô khiến khung cảnh trở nên kỳ vĩ mà nên thơ. Xen lẫn với đó là những thửa ruộng bậc thang nhuốm sắc vàng khi chiều tà, bình dị đến yên bình.
Cách hồ Thang Hen chừng 2km, làng Lũng Táo đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch khi đến với Cao Bằng. Các ngôi nhà ở đây đều thiết kế kiểu nhà sàn và dựng bằng gỗ nghiến. Ngôi làng được đánh giá về sự trù phú nhất khu vực, với phong cách kiến trúc kết hợp giữa đặc trưng dân tộc Mông và Hoa Nam.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại nơi biên cương Tổ quốc, khánh thành ngày 15/12/2014, rộng khoảng 3ha. Ngôi chùa tựa lưng vào núi Phia Nhằn nên có thể nhìn ngắm toàn cảnh thác Bản Giốc hùng vĩ, núi non điệp trùng từ trên cao.
Từ thác Bản Giốc đến ngôi chùa này chỉ khoảng 500m, do đó trong lịch trình tour du lịch Cao Bằng bạn đừng quên đến đây để tận hưởng sự thanh bình, yên tĩnh miền đất Phật nhé. Từ nhà lễ, lầu, nhà thờ, đền thờ hay các chi tiết nhỏ khác đều mang dấu ấn quen thuộc, rất tỉ mỉ, công phu mang nét uy nghiêm, thanh tịnh.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được kết nối với nhau từ gỗ lim, mái đao và mái ngói truyền thống. Các hạng mục của chùa bao gồm: tam quan, khuôn viên tượng Quan Âm bồ tát, nhà thờ tổ, tòa Tam bảo, đền Mẫu thờ Việt Nam Triệu Tổ Hùng Vương, vườn địa đàng, vườn Tượng La Hán,... Đặc biệt, khách đi du lịch thác Bản Giốc sẽ tận mắt thấy nhà lầu chuông Đại hồng chung Thiên Bảo được làm bằng đồng, trọng lượng khoảng 1,5 tấn. Đây là một trong những điểm nhấn nổi tiếng của ngôi chùa này với các Phật tử gần xa.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh, tôn giáo của người dân nơi đây. Đồng thời, cũng là địa điểm để các tín đồ Phật tử đến cầu nguyện bình an, cuộc sống êm đềm hạnh phúc. Vào ngày mùng 1 đầu tháng, ngày rằm ngôi chùa đón nhận rất nhiều tín Phật đến dâng lễ. Tuy vậy, nơi đây vẫn rất thanh tịnh, không hề ồn ào hay có sự chen lấn.
Việc xây dựng chùa Phật Tích Trúc ngay giữa vùng biên cương cũng mang ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của vùng. Góp phần thu hút du khách gần xa đến chiêm ngưỡng và tham quan. Đây cũng là địa điểm thích hợp để bạn chụp ảnh lưu giữ kỉ niệm trong tour thác Bản Giốc từ Hà Nội của mình.
Như đã chia sẻ ở trên chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc tọa giữa núi Phia Nhằn. Chính vì vậy khi ngắm nhìn công trình Phật giáo này từ xa thu vào tầm mắt của bạn là hình ảnh ngôi chùa nổi bật giữa núi rừng bạt ngàn. Đường lên khúc khuỷu, quanh co gian nan như con đường tu luyện, khổ hạnh để đắc đạo vậy.
Muốn lên đến chùa bạn phải leo lên các bậc thang, do đó những giày thể thao hay giày bệt thoải mái sẽ là lựa chọn sáng suốt nhất. Điều này giúp cho bạn di chuyển dễ dàng, chống trơn trượt. Tuy khá mệt nhưng đến nơi bạn sẽ tận hưởng từng cơn gió nhẹ nhàng thổi qua, không khí trong lành xua tan hết buồn phiền, u uất trong cuộc sống thường nhật.
Dừng chân tại ngôi chùa du khách lựa chọn tour du lịch thác Bản Giốc còn được ngắm nhìn toàn bộ vẻ đẹp của khu du lịch từ trên cao. Thác nước vẫn chảy hùng vĩ với bọt tung trắng xóa, nhưng từ xa dòng nước như hiền hòa hơn rất giống dải lụa trắng của đất trời ban tặng cho nơi đây. Từ đây bạn có thể thỏa sức chụp ảnh để lưu lại kỷ niệm khó quên khi đến với đất trời Cao Bằng.
Lưu ý chùa Phật Tích là nơi rất linh thiêng nên khi đến tham quan du lịch chú trọng trang phục lịch sự, không gây ồn ào, chụp ảnh ở những địa điểm được phép.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Slam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km về phía tây nam. Đây là nơi lưu giữ một hệ thống các di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và đến nay đã trở thành địa chỉ đỏ trên hành trình về nguồn Cao Bằng.
Khu di tích quốc gia rừng Trần Hưng Đạo là nơi ghi dấu sự thành lập và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Đội VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu di tích gồm 5 điểm quan trọng: Cụm di tích rừng Trần Hưng Đạo (gồm Địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Lán nghỉ và bếp ăn, mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt, Đỉnh Slam Cao); Hang Thẳm Khẩu (xã Tam Kim) - từng được sử dụng làm trạm liên lạc, đưa cơm phục vụ cho các đồng chí hoạt động cách mạng; Đồn Phai Khắt (xã Tam Kim) - nơi diễn ra trận đầu ra quân của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (25/12/1944); Đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám) - nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (26/12/1944); di tích Vạ Phá (xã Tam Kim).
Với những giá trị lịch sử này, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là di tích quốc gia đặc biệt. Từ đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được địa phương đặc biệt quan tâm thông qua việc nâng cấp tuyến đường từ đèo Cao Bắc và tuyến đường từ tỉnh lộ 34 vào khu di tích, xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình nhà đón tiếp, nhà tưởng niệm.
Đặc biệt, Nhà trưng bày tại khu di tích sau khi được hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần tôn vinh và tri ân thế hệ đi trước, đồng thời bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích. Các hiện vật tại đây được trưng bày tập trung, đảm bảo tính khoa học và giá trị lịch sử chân thực theo 3 chủ đề: Cao Bằng - Đất nước, con người và truyền thống; Quá trình hình thành, ra đời và hoạt động của Đội VNTTGPQ; Quân đội anh hùng truyền thống vẻ vang.
Đến với di tích rừng Trần Hưng Đạo, du khách không chỉ được tìm hiểu truyền thống lịch sử vẻ vang với nhiều điểm di tích mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh. Với diện tích rộng trên 201,7 ha, rừng Trần Hưng Đạo còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với bầu không khí trong lành và là điểm đến của hàng ngàn du khách trong nước cũng như quốc tế.
Nằm sâu dưới những tán cây cổ thụ là nhà bia 34 chiến sĩ của Đội VNTTGPQ, lán nghỉ và bếp ăn mô phỏng lại cuộc sống đời thường giản dị của các chiến sĩ. Men theo con dốc nhỏ chừng 50m là mỏ nước tự nhiên, cũng là điểm lấy nước sinh hoạt của các chiến sĩ, trải qua nhiều năm vẫn cho ra những dòng nước mát lạnh và trong vắt. Cũng tại rừng Trần Hưng Đạo, cây sấu cổ thụ 300 năm tuổi từng gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của Đội VNTTGPQ đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Trải qua 75 năm, những dấu tích từ thuở đầu thành lập Đội VNTTGPQ luôn được đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng trân trọng và gìn giữ, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ sau này. Khu rừng nguyên sinh rộng lớn xòe từng tán cây, bao bọc những di tích thiêng thiêng trong tháng ngày hoạt động cách mạng gian khó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội VNTTGPQ.
Di tích đồn Phai Khắt Cao Bằng là nơi diễn ra trận đấu đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sau khi thành lập. Đồn Phai Khắt thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, cách khu rừng Trần Hưng Đạo 7km. Tại đây, lúc 17h ngày 25/12/1944, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cùng nhân dân địa phương đã tiêu diệt và bắt gọn chỉ huy cùng toàn bộ binh lính, thu vũ khí của địch.
Chiến thắng đồn Phai Khắt tuy quy mô không lớn nhưng đã tạo niềm tin tất thắng cho các chiến sĩ giải phóng, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang làm tiền đề cho các trận đánh sau này.
Đồn Phai Khắt được xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 29 tháng 01 năm 1993 và là một trong các di tích trong Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.
Khu di tích mộ anh hùng liệt sỹ Kim Đồng nằm trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng); là nơi ghi nhớ anh hùng liệt sỹ Kim Đồng, người có công bảo vệ cán bộ cách mạng trong thời kỳ chống Pháp.
Kim Đồng (tên thật là Nông Văn Dền) sinh năm 1929. Ngày 15/5/1941, đồng chí Đức Thanh là cán bộ cách mạng quyết định thành lập Đội nhi đồng cứu quốc tại làng Nà Mạ, gồm có 4 đội viên: Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Thủy, Thủy Tiên do Kim Đồng làm đội trưởng.
Tháng 8/1942, Kim Đồng vinh dự được gặp Bác Hồ tại hang Nộc Én ở trên núi sau làng Nà Mạ. Bác khen ngợi đội trưởng Kim Đồng mưu trí, nhanh nhẹn, dũng cảm. Ngày 15/2/1943, trong khi đang làm nhiệm vụ để bảo toàn bí mật, giúp các đồng chí cán bộ Việt Minh kịp thời tản lên núi, Kim Đồng đã hy sinh khi vừa tròn 14 tuổi.
Kim Đồng đã được Đảng và nhà nước phong tặng Anh hùng liệt sỹ năm 1997. Khu di tích Kim Đồng được xây dựng ngay trên quê hương anh gồm có mộ anh Kim Đồng và tượng đài khang trang tại chân rặng núi đá cao đồ sộ, bên cạnh cây nghiến xanh biếc.
Tượng đài anh Kim Đồng với bộ quần áo Nùng và tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư, trước tượng đài có 14 bậc đá và 14 cây lát vươn cao xanh ngắt. Nơi đây có một khoảng sân rộng, hàng năm thiếu niên, nhi đồng của tỉnh Cao Bằng và cả nước thường tụ hội tại đây cắm trại, vui chơi ca hát.
Khu di tích cũng sở hữu một khoảng sân rộng, là nơi tổ chức các buổi cắm trại, vui chơi ca hát hàng năm của thiếu niên và nhi đồng của tỉnh Cao Bằng. Đây thực sự là địa điểm đáng ghé thăm khi du khách đến với miền đất Cao Bằng. Năm 2011, Khu di tích lịch sử Kim Đồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia
Khu di tích lịch sử Chiến dịch Biên giới 1950 nằm tại Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, cách thành phố Cao Bằng khoảng 60 km đi theo đường quốc lộ số 4. Đây là một khu di tích gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950, do Bộ Tư lệnh Quân khu, Quân khu I, Quân khu II và tỉnh Cao Bằng phối hợp xây dựng. Khu di tích được đưa vào sử dụng ngày 19/05/2004, thể hiện đạo lý cao cả “Uống nước nhớ nguồn ” đối với vị lãnh tụ thiên tài, vị cha già kính yêu của dân tộc và ghi lại dấu ấn oanh liệt, hào hùng của một chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cột mốc 108 là nơi đầu tiên Bác Hồ đặt chân về quê hương sau 30 năm bôn ba nước ngoài. Không chỉ là một chứng nhân lịch sử, khách du lịch khi đến nơi đây sẽ chìm đắm trong vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Đông Bắc.
Cột mốc 108 nằm trong quần thể Di tích lịch sử Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng. Cột mốc 108 được dựng vào cuối thế kỉ 19 theo Hiệp ước Pháp - Thanh. Đây là một trong 314 cột mốc dùng để phân định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại thời điểm ấy.
Đi đến Cột mốc 108 từ thành phố Cao Bằng, mất khoảng hơn một tiếng đi xe buýt để đến xã Trường Hà (huyện Hà Quảng), nơi có hang Cốc Bó, suối Lê Nin, núi Các Mác, địa điểm Bác Hồ chọn làm căn cứ cách mạng sau khi từ Trung Quốc về nước.
Muốn lên cột mốc 108, đi men theo suối Lê Nin, ngang qua hang Cốc Pó. Dòng suối bắt nguồn từ gần hang Bác ở, chảy quanh khu vực đền thờ nằm trên ngọn núi Pò Tánh Chấy rồi uốn lượn xuống khu vực hạ lưu cạnh trạm kiểm soát biên giới.
Lán Khuổi Nặm cách hang Pác Bó khoảng một cây số. Đường quanh co men theo chân núi, càng đi càng dốc lên. Được biết, đường vào lán xưa kia chỉ là một lối mòn cheo leo, nay được mở rộng hơn và lát đá cho tiện đi lại. Còn khe núi trên đường vào lán ngày trước rậm rạp um tùm giờ là những thửa ruộng bậc thang tiếp nối nhau chạy ngược đến tận phía rừng xa.
Đây là nơi Bác ở lâu nhất. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí cán bộ đã làm thêm cho Người hai lán nữa (lán Khuổi Nặm II và III). Lán Khuổi Nặm có địa thế rất thuận lợi, nằm ngay ở cửa rừng, được che kín, nhìn bên ngoài vào không phát hiện được, nhưng ở bên trong quan sát ra thì rất rõ, khi có động tĩnh có thể rút lui, ngược dòng Khuổi Nặm qua mốc 109 sang Trung Quốc an toàn. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn dân tộc, với 2 gian nhỏ, có diện tích khoảng 12m2. Lán hiện nay mới được trùng tu lại trong khoảng thời gian gần đây.
Là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28 tháng 01 đến ngày 07/02/1941). Ngôi nhà này được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương.
Nghề rèn thủ công truyền thống của người Nùng An đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách thập phương, góp phần làm phong phú thêm hành trình khám phá vùng đất Cao Bằng.
Làng Phúc Sen cách thành phố Cao Bằng khoảng 30km, nghề rèn nơi đây có lịch sử trên 300 năm. Ban đầu, làng chỉ rèn các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật dụng sinh hoạt. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề phong phú đa dạng hơn, có uy tín không chỉ trong phạm vi tỉnh Cao Bằng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, thành phố Hà Nội của nước ta cũng như các huyện biên giới của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Mặc dù các sản phẩm ở đây không bóng bẩy, bắt mắt, lại có giá bán cao gấp hai, ba lần sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhưng hàng sản xuất ra tới đâu, bán hết tới đó. Hiện nay, ở Phúc Sen có khoảng 160 lò rèn, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Để làm ra một con dao sắc, người Nùng An có những bí quyết riêng. Nguyên liệu rèn dao được làm từ những miếng nhíp ô tô đã hỏng, đặc biệt từ nhíp xe U-oát là tốt nhất. Ở những nơi khác người ta thường dùng than đá để nung thì ở làng Phúc Sen lại dùng than củi từ các loại gỗ cứng như gỗ nghiến mới giúp giữ nhiệt và làm than mau đỏ. Để giữ được nhiệt, lò nung thép cũng phải làm bằng đá, rồi dùng rơm và trấu làm chất liệu xây lò. Theo những người làm nghề lâu năm trong làng, nghề rèn thủ công ở Phúc Sen hầu như không có công thức mà chủ yếu nhờ cảm nhận tinh tế của tai, đôi mắt cùng kinh nghiệm của người thợ.
Khám phá làng nghề Phúc Sen, du khách đi du lịch Cao Bằng sẽ có cơ hội lắng nghe những chia sẻ về cuộc sống cũng như công việc của người dân nơi đây. Đặc biệt, bạn còn được thưởng thức các món Đặc sản Cao Bằng hấp dẫn của miền đất mến khách này.
Thiện cảm đầu tiên khi tham quan làng nghề Phúc Sen chính là những nụ cười trên môi của người dân nơi đây. Từ thanh niên cho đến người già đều rất mến khách, họ luôn niềm nở trả lời các câu hỏi cũng như chia sẻ nhiều điều thú vị về cuộc sống và công việc thường ngày. Để làm ra sản phẩm chất lượng thì điều đầu tiên phải lựa chọn được loại thép tốt nhất. Sau đó qua từng công đoạn nhất định như dàn - tôi - nhúng nước - dàn liên tục… mới có thể tạo nên sản phẩm ưng ý nhất.
Bản Pác Rằng, thuộc xã Phúc Sen, nằm ven Quốc lộ 3, từ thị xã Cao Bằng đi Cửa khẩu quốc gia Tà Lùng, phía trước Bản là cánh đồng nhỏ hướng ra Quốc lộ, sau lưng là những ngọn núi đá hùng vĩ với những cánh rừng nguyên sinh tạo một không gian thanh bình, xanh mát mà bất cứ du khách nào cũng có thể cảm nhận được khi tới khu vực này. Đây là nơi cư trú của 51 hộ gia đình dân tộc Nùng An, với khoảng hơn 250 nhân khẩu.
Pác Rằng được chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo thông qua Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ. Đến Pác Rằng, du khách hấp dẫn bởi nền văn hóa truyền thống dân tộc thể hiện đậm nét lao động, sản xuất và sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây.
Điều dễ nhận thấy nhất khi tới bản Pác Rằng là các hộ gia đình vẫn lưu giữ được kiểu kiến trúc nhà sàn gỗ truyền thống kết cấu 2 tầng. Tầng một là chuồng trại gia súc, công trình vệ sinh, phía bên là lò rèn. Tầng 2 là không gian sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình, gồm: các phòng ngủ, gian tiếp khách và bếp. được bố trí khoa học và hợp vệ sinh. Tầng lửng được dùng làm kho chứa nông sản.
Núi Mắt thần - thác Nặm Trá nằm trong thung lũng thuộc xóm Bản Danh, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh), cách danh lam thắng cảnh cấp tỉnh Hồ Thang Hen khoảng 2 km, với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, hoang sơ, mới được phát hiện nhưng đã thu hút rất nhiều du khách tham quan, khám phá.
Từ tỉnh lộ rẽ phải vào hồ Thang Hen đến xóm Bản Danh, tiếp tục rẽ vào con đường mòn dưới chân núi, chỉ có thể đi bộ vào, đi khoảng 1,5 km là đến núi Mắt thần - thác Nặm Trá. Nhìn từ đỉnh núi, du khách bị choáng ngợp trước cảnh sắc hồ Nặm Trá rộng khoảng 15 ha đã cạn nước, một thảm cỏ xanh bạt ngàn được bao quanh bởi những ngọn núi. Dưới núi là những nương ngô uốn lượn tạo nên vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình”.
Đặc biệt nhất là ngọn núi Phja Piót (tiếng Tày: “núi thủng”), vì ngọn núi có một khoảng lớn thông qua mặt sau hình tròn như con mắt, được người dân nơi đây thường gọi và du khách tán thưởng với tên núi Mắt thần. Bà Vi Thị Năm, 76 tuổi, xóm Bản Danh cho biết: Hằng năm, vào khoảng tháng 6, 7, nước dâng lên ngập toàn bộ hồ Nặm Trá nên phải chờ đến tháng 8, 9 nước rút hết, mọi người mới chăn thả trâu, bò trên các gò đất cạn của mặt hồ. Thời gian gần đây, có rất nhiều du khách đến tham quan khu vực này.
Sau khi ngắm núi Mắt thần, rẽ sang bên phải hồ Nặm Trá, men theo con đường đất khoảng 600 m là đến thác Nặm Trá. Thác nước không cao và nhiều tầng nhưng có rất nhiều dòng chảy uốn lượn giữa các mỏm đá màu xám lô nhô tạo nên vẻ đẹp hùng vỹ. Điểm tô thêm cho vẻ đẹp của thác là những cây xanh và các sắc hoa rừng... bao quanh nên cảnh sắc rất sinh động.
Hiện nay, điểm du ngoạn núi Mắt thần - thác Nặm Trá đang được chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội với cảnh sắc nơi đây quá tuyệt vời. Chắc chắn đây sẽ là điểm đến thú vị bởi diện tích rộng lớn, có thể tổ chức cắm trại... Dưới núi là những nương ngô uốn lượn tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Nơi đây được dân yêu thích xê dịch đặt cho cái tên “Tuyệt Tình Cốc Cao Bằng“
Đèo Mã Phục là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường QL3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km. Thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, là ranh giới huyện Hòa An và huyện Trà Lĩnh.
Đèo Mã Phục có chiều dài hơn 3,5 km, cao gần 700 m so với mực nước biển, qua 7 tầng dốc xoáy cua tay áo khá hiểm trở, uốn lượn theo triền núi đá vôi, có nhiều đoạn gấp khúc. Một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu với những khe núi hẹp.
Con đèo rộng và đẹp, những dãy núi cao thấp nối tiếp nhau, phía bên này dốc đèo hướng đi Quảng Uyên trải dài những cánh đồng ngô, lúa xanh mướt, ngay bên đường là bản nhỏ với những ngôi nhà có hàng rào đá bao quanh vững chãi, đẹp mắt.
Ở mỗi thời điểm trong ngày, đèo Mã Phục Cao Bằng lại mang vẻ đẹp khác nhau. Dù giữa mùa hè, nhưng nếu qua đèo vào sáng sớm hay khi nắng tắt, đỉnh đèo xuất hiện màn sương mù bảng lảng, phong cảnh trở nên nguyên sơ, huyền ảo. Đến khi sương tan, trời bừng sáng, đám mây trắng nổi bật trên nền trời xanh, cảm giác mọi vật trở nên tràn đầy sức sống, gió xôn xao đem lại cảm giác mát lành.
Theo các chuyên gia, đèo Mã Phục còn là điểm di sản địa chất độc đáo. Khoảng 260 triệu năm trước khu vực này có nhiều núi lửa hoạt động ngầm dưới biển. Dung nham núi lửa phun lên trong nước biển bị nguội đột ngột tạo thành các cầu gối xếp chồng lên nhau với nhiều kích thước và màu sắc. Tại đèo, chỗ tiếp xúc với đá vôi (màu trắng) có thể thấy một loại đá khác màu xanh đen hình cầu (bazan cầu gối) là minh chứng tuyệt vời cho sự tiến hóa và thay đổi của trái đất, xứng đáng là di sản địa chất đặc sắc.
Đèo Mã Phục là điểm dừng chân đầu tiên của tuyến du lịch cụm phía đông của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, gồm các huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa. Từ điểm dừng chân này, du khách có thể tiếp tục hành trình khám phá tuyến đường đi bộ vào núi thủng Nặm Trá, xã Quốc Toản (Trà Lĩnh); tham quan, trải nghiệm văn hóa bản địa làm hương, mô hình “homestay”, thưởng thức sản vật địa phương tại làng Phja Thắp, xã Quốc Dân và làng rèn Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên); tham quan, du lịch mạo hiểm trên dòng sông Quây Sơn xanh biếc, làng đá Khuổi Ky, động Ngườm Ngao và thác Bản Giốc tại xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)...
Chính độ hiểm trở tạo nên nét kỳ thú có một không hai ở đây. Ai lên đèo cũng đều biết tới chuyện tráng sĩ Nùng Trí Cao - một con người thuộc về lịch sử và huyền thoại của dân tộc Nùng nơi biên cương hùng vĩ này.
Nùng Trí Cao (sinh năm 1025 tại Cao Bằng) được coi là một anh hùng cái thế, theo cha là Nùng Tồn Phúc khởi loạn xưng vua từ năm 1038. Sau khi cha bị nhà Lý bắt và chém chết (năm 1039), Nùng Trí Cao cùng mẹ là A Nùng tiếp tục cuộc chiến. Chẳng bao lâu Nùng Trí Cao bị nhà Lý đánh tan và bắt giữ. Nhưng vua Lý Thái Tông thương tình không giết mà phong tước cho Nùng Trí Cao đi trấn giữ biên ải.
Không ngờ, Nùng Trí Cao lại quật khởi nổi dậy chiếm đất phía Tây Cao Bằng xưng vương (năm 1052). Thế lực ngày một mạnh dần và thu hút được nhiều tráng sĩ đi theo. Nùng Trí Cao đã từng đánh sang nhà Tống và chiếm 8 Châu (quận) vùng đất của hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, Trung Hoa.Ba năm sau xưng vương, Nùng Trí Cao bị nhà Tống tiêu diệt. Đây là hình ảnh ở cuối con đường, tráng sĩ Nùng Trí Cao sau trận đánh, đi tuần tra biên giới trở về. Sự mỏi mệt của cả người và ngựa đã tạo nên hình ảnh kỳ vĩ của đèo núi dựng bên vách đá này: "Con đèo dựng ngược hút mây trời. Hơi thở giốc-đường dài mệt mỏi. Ngựa hý vang ngước nhìn lần cuối. Rồi cúi đầu quỳ gục dưới chân người". Chính vì thế người đời đặt tên cho con đèo là Mã Phục (ngựa quỳ).
Đó cũng là một câu chuyện cổ tích có thật đã từng diễn ra. Không chịu bó chân như hình ảnh "Mã Phục" kia, những người lính Cụ Hồ đã tháo rời từng bộ phận của xe pháo, vận chuyển qua những cánh rừng rập rạm, men lưng đèo đưa vũ khí trở về chiến khu. Những người dân địa phương đã hợp sức tìm ra con đường thần thoại đó, khênh vác thiết bị cùng bộ đội vượt qua phòng tuyến của kẻ địch, băng qua muôn nẻo điệp trùng núi non.
Đó là khúc tráng ca đầy hào sảng của quân và dân Cao Bằng với những hình ảnh: "Núi đi trong sương lạnh. Núi đi trong mây mù. Núi đi trong gió cuốn. Núi lặng lẽ ngắm mình thung sâu. Núi bí ẩn đàn đàn mã phục. Núi trùng trùng muôn vạn hùng binh…".
Giờ đây đèo Mã Phục, ngoài những chuyến xe tấp nập ngược xuôi, còn đó là những phiên chợ họp ngay trên đỉnh đèo. Cứ 5 ngày một phiên vào mùng 3 và 8 hàng tháng. Những người Nùng, Tày, Dao từ các bản làng xa xôi lại vượt núi, gánh hàng lên họp mặt. Một thú chơi chợ rất "Cao Bằng". Nào hạt dẻ từ Trùng Khánh lên. Nào dao cuốc, xẻng từ Quảng Uyên về. Lại nữa gà lợn, măng tươi từ 5 huyện đưa tới. Nhất là thịt bò tươi từ hai xã bên đèo cao…
Những chàng trai cô gái được dịp vào cuộc hát Sli trong sương bay. Những gương mặt đẹp như hoa của các cô gái làm sáng bừng trên đỉnh đèo. Dừng lại bên chợ là những chuyến xe chở hàng hay du khách đi qua. Nhiều người xì xụp với những bát cháo ngô, hay xuýt xoa với những viên hạt dẻ nướng thơm bỏng môi.
Chinh phục đèo Mã Phục, ngắm nhìn thiên nhiên toàn cảnh và mua đặc sản Cao Bằng ngay tại chợ phiên trên đỉnh đèo chính là một trải nghiệm vô cùng lý thú đối với mỗi du khách khi đến đây.
Đèo Khau Liêu là gọi theo tiếng Tày, có nghĩa là đèo Liêu. Đứng trên cao nhìn xuống, đèo Khau Liêu mềm mại chạy giữa các dãy núi lô nho của Cao Bằng, giống như một con rồng uốn lượn quanh co, ôm lấy núi. Đây cũng là con đèo thử tay lái của nhiều dân “phượt” muốn chinh phục khó khăn trước thiên nhiên hùng vĩ. Có thể nói đèo Khau Liêu như một nét chấm phá trong bức tranh đồng quê miền núi tuyệt đẹp của vùng Trùng Khánh.
Không nổi tiếng như đèo Mã Phục nằm trước đó, đèo Khau Liêu mang một nét đẹp nên thơ, đầy màu sắc và hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên. Bạn sẽ có cảm giác hạnh phúc, vui sướng khi vượt qua được độ cao của đèo Khau Liêu. Đứng trên đỉnh đèo phóng tầm mắt xuống dưới, hít thở không khí thanh khiết của núi rừng, thật sự không còn gì thú vị hơn.
Cửa khẩu Tà Lùng là cửa khẩu quốc tế tại vùng đất bản Pò Tập thị trấn Tà Lùng huyện Phục Hòa tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Cửa khẩu Tà Lùng là điểm cuối của quốc lộ 3, tiếp nối là cầu Thủy Khẩu trên sông Bắc Vọng, thông thương sang cửa khẩu Thủy Khẩu tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Tà Lùng Cao Bằng là cửa khẩu chính của tỉnh Cao Bằng, nằm gần ngã ba nơi sông Bắc Vọng đổ vào sông Bằng. Sông Bắc Vọng có đoạn dài là biên giới tự nhiên ở phía đông huyện Phục Hòa.
Cửa khẩu Pò Peo là cửa khẩu tại vùng đất bản Nà Han xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam thông thương sang cửa khẩu Nhạc Vu ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Pò Peo là điểm cuối của tỉnh lộ 211, cách thị trấn Trùng Khánh khoảng 22 km theo đường này. Cửa khẩu ở phía đông nơi sông Quây Sơn chảy vào đất Việt chừng 2 km. Đoạn sông bên Trung Quốc có tên là Nan Tan He.
Cửa khẩu Trà Lĩnh hay cửa khẩu Hùng Quốc hay cửa khẩu Nà Đoỏng là cửa khẩu quốc gia tại vùng đất bản Hía ở thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Cửa khẩu Trà Lĩnh thông thương sang cửa khẩu Long Bang ở thành phố Bách Sắc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa khẩu Trà Lĩnh là điểm cuối của tỉnh lộ 205, cách thị trấn Hùng Quốc khoảng 6 km theo đường này về hướng bắc. Tên cửa khẩu Nà Đoỏng được gọi theo bản Nà Đoỏng là bản ở trước bản Hía khi ra cửa khẩu. Tuy nhiên tên chính thức và được dùng trong giới chức hành chính, biên phòng và hải quan là cửa khẩu Trà Lĩnh.
Cửa khẩu Lý Vạn là cửa khẩu tại vùng đất bản Lý Vạn xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam thông thương sang cửa khẩu Thạc Long ở huyện Đại Tân, Tp Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu Lý Vạn cách thành phố Cao Bằng 60 km theo đường thẳng về hướng đông bắc.
Cửa khẩu Sóc Giang là cửa khẩu tại vùng đất bản Sóc Giang xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam thông thương sang cửa khẩu Bình Mãng ở thành phố Bách Sắc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu Sóc Giang cách thành phố Cao Bằng 42 km theo đường thẳng về hướng bắc tây bắc, và khoảng 55 km theo tỉnh lộ 203. Cửa khẩu gần kề với nơi sông Bằng chảy vào đất Việt.
Ở vùng cao, các bản làng cách xa nhau, nhiều bản chỉ có vài nóc nhà do đó cuộc sống thường nhật gần như khép kín. Vì vậy, việc đến chợ ngoài mua bán hàng hoá còn là nơi trao đổi thông tin, giao lưu tình cảm, hẹn hò lứa đôi.
Trong số 1,971 cột mốc cắm ở 7 tỉnh biên giới phía bắc, Cao Bằng có nhiều cột mốc nhất (634 cột mốc), nên được gọi là tỉnh có thế mạnh cột mốc – thế mạnh mà đã phải đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi, xương máu. Các bạn yêu thích việc check-in với các cột mốc biên giới có thể tham khảo và kết hợp khi đi du lịch Cao Bằng, tuy nhiên các bạn cũng chú ý là trừ những mốc biên giới ở các vị trí lớn (ví dụ như cửa khẩu lớn, địa điểm du lịch) còn lại các mốc biên giới đều là khu vực khá nhạy cảm, các bạn nên xin phép rồi nếu được đồng ý thì nhờ bên biên phòng dẫn ra nhé.
Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc – Phia Đén hay còn gọi Phja Oắc – Phja Đén là khu rừng đặc dụng có diện tích 10.245,6 ha nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đây từng là khu nghỉ dưỡng được tìm ra và xây dựng bởi người Pháp từ đầu thế kỷ 20. Khu vực Phia Oắc – Phia Đen có phân bổ của 125 họ thực vật, 289 chi thực vật và khoảng trên 352 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Sinh cảnh cũng được ghi nhận có 66 loài bướm.
Theo những tài liệu hiện còn ghi chép được thì những ngôi biệt thự cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX. Vào thời gian này, thực dân Pháp đẩy mạnh việc khai thác quặng ở Tĩnh Túc và đẩy hàng ngàn công nhân từ khắp nơi về đây để bóc lột sức lao động, đào quặng, vơ vét tài nguyên.
Để đảm bảo giám sát số lượng nhân công lớn, Pháp đã điều động quân lính tới đây đồn trú đồng thời xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ sĩ quan, binh lính ngay tại chỗ với qui mô lớn. Quần thể biệt thự cổ bỏ hoang chính là khu nghỉ dưỡng của sĩ quan Pháp.
Trên khu vực lưng chừng núi Phia Oắc có hai loại hình nhà chính là biệt thự độc lập dành cho quan chức cấp cao của Pháp và biệt thự liền kề – khu vực dành cho binh lính và quan chức nhỏ.
Cách rừng đặc dụng Phia Oắc khoảng 5km có ngôi biệt thự đặc biệt sang trọng gọi là Nhà Đỏ. Nghe nói, chủ nhân của nó trước đây tên là Phăngten. Đây là ngôi biệt thự lớn nhất và cổ kính nhất ở khu vực Phia Oắc.
Du lịch Cao Bằng ăn gì? Sau đây hãy cùng Hitour khám phá ngay những món ngon đặc sản Cao Bằng gây thương nhớ cho du khách mang đậm đặc trưng ẩm thực Tây Bắc.
Vịt quay 7 vị – món ngon đặc sản Cao Bằng sử dụng tới 7 loại gia vị khác nhau là gừng, tỏi, hành khô, hạt tiêu, mật ong, đậu hũ và quả mắc mật khô để tạo thành gia vị tẩm ướp của món ăn.
Quan trọng nhất là khâu ướp vịt. Mắm, muối hoà lẫn trong nước 7 vị (7 vị đó có lẽ là bí quyết riêng của người Tày sống ở miền đông tỉnh Cao Bằng, bởi chỉ cần đi sang miền Tây, món vịt đã không còn mang cái vị lạ hấp dẫn ấy nữa) rút từ từ vào bụng vịt để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt. Một chiếc lạt tre dẻo, chẻ mỏng và chuốt nhọn đầu dựng làm kim, khâu bụng vịt, giữ cho nước không chảy ra ngoài.
Vịt được thổi phồng và chần qua nước sôi một lần nữa, sau đó rưới mật ong và quét dấm lên khắp thân. Cách làm này khiến cho thịt vịt vừa mềm, vừa có vị đậm của mật ngọt, lại không bị khô da khi nướng trên than hồng.
Bánh Trứng Kiến được làm từ bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả. Cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm, bà con dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng lại cùng nhau vào rừng tìm trứng kiến đen về làm bánh.
Người dân nơi đây thường lấy trứng kiến có thân nhỏ, đuôi nhọn, thường làm tổ trên cây vầu rồi mang về phi mỡ heo cho thơm, một chút lá hẹ rồi rắc lên lớp bột và đem vào khay hấp.
Chờ đợi từng giây phút khi bánh chín, mùi thơm của lá vả thật hấp dẫn du khách khi lần đầu thưởng thức món này. Cắn những miếng đầu tiên, bánh trứng kiến ăn dẻo và thơm ngậy mùi trứng kiến khiến bạn khó lòng cưỡng lại được.
Bên cạnh món bánh trứng kiến béo ngậy, không thể không nói đến món bánh Chè Lam. Đây là món bánh cổ truyền của người dân Cao Bằng
Bánh làm bằng bột nếp rang, lạc rang, gừng và mạch nha. Khi thưởng thức mới cảm nhận được vị dẻo của bột nếp, vị ngọt ngoài của mật và chút cay của gừng, bùi bùi của lạc.
Nhâm nhi tách trà nóng ăn cùng với bánh chè Lam và ngắm nhìn thiên nhiên Cao Bằng. Tất cả đem đến cho bạn cảm giác an nhiên, nhẹ nhàng, thoải mái hơn bao giờ hết.
Bánh cuốn là món ngon đặc sản Cao Bằng có lớp vỏ bánh dẻo dai ăn cùng với nước xương ninh béo ngậy gây thương nhớ. Bánh cuốn Cao Bằng có màu trắng đục chứ không trắng tinh như những nơi khác. Đó là bởi vì loại bột làm bánh được làm từ loại gạo đặc trưng nơi đây, gạo Đoàn Kết. Hạt gạo dài, màu trắng ngà. Chỉ có đất Cao Bằng mới có thể làm ra loại gạo như thế này. Điều đặc biệt hơn nữa là sau khi gặt người ta không dùng máy để xay xát mà là tự tay giã cho hạt vỡ ra. Chính vì vậy hạt gạo vẫn giữ được vị ngọt thanh nhẹ nhàng. Đó là lý do khiến bánh cuốn Cao Bằng có vị rất khác với bánh cuốn tại những nơi khác.
Bánh cuốn Cao Bằng có lớp vỏ mỏng nhưng vẫn dẻo và dai. Vỏ bánh khéo léo ôm trọn phần nhân thịt, nấm mèo và hành nhưng vẫn không bị rách. Nếu bánh cuốn thịt Hà Nội thường được ăn kèm với nước chấm cà cuống hay nước mắm tỏi ớt chua cay thì bánh cuốn Cao Bằng lại khác. Người ta dùng bánh cuốn Cao Bằng kèm với nước ninh xương ngọt thanh mát lạnh. Chấm bánh ngập trong nước để phần nước thấm đẫm cả vào nhân là cách thưởng thức hương vị bánh cuốn Cao Bằng trọn vẹn nhất. Không quá đậm đà mà mang vị thanh đạm đặc trưng, bánh cuốn là một món ăn chơi vô cùng đáng thử khi bạn có dịp ghé thăm Cao Bằng.
Món ngon đặc sản Cao Bằng Nằm khau (Khâu nhục) không thể thiếu trong các đám cưới của người Tày nơi đây. Mỗi địa phương Khâu Nhục lại được chế biến với một hương vị khác nhau có thể đủ tất cả các nguyên liệu hoặc thiếu đi một vài vị trong đó.
Theo tiếng Tày, “khâu” nghĩa là hấp chín còn “nhục” là thịt xay nhuyễn. Thịt ba chỉ được thái thành từng lát sau đó luộc lên. Thịt sau khi luộc xong, người ta dùng ban châm tự chế để đâm thành nhiều lỗ trên bề mặt da miếng thịt để khi chiên miếng bì nổ đều. Đặc biệt trước khi đem đi rán thì da của thịt được thoa qua một lớp rượu gừng pha với bia (rượu hòa cùng nước gừng chắt) để không bị cháy trong quá trình chiên và có màu sắc vàng đều. Một số nơi thì sử dụng mật ong phết lên thịt trong quá trình nướng.
Trong quá trình làm thịt ba chỉ chiên người ta sẽ làm cả gia vị. Gia vị được làm cầu kỳ có mùi vị đậm đà từ hành, tỏi, tiêu, gừng, mắm, muối, đường, rượu trắng, quả mắc mật, dưa muối, tương đen…Đặc biệt không thể thiếu lá tàu soi – thứ lá đặc sản đặc trưng của vùng Tây Bắc. Cuối cùng là công đoạn hấp thịt và gia vị để có được món ăn đặc sản Cao Bằng không thể thiếu trong các đám cưới của người Tày nơi đây.
Người ta thường ăn kèm khâu nhục với cơm trắng hoặc bánh mì vào bữa sáng. Vị béo của miếng thịt, cộng với độ dòn của miếng bì, mùi thơm của mắc mật quyện vào đậm đà tạo thành một hương vị khó quên. Cách chế biến khâu nhục khá phức tạp với nhiều công đoạn. Tuy nhiên sự vất vả này là hoàn toàn xứng đáng bởi hương vị tuyệt vời mà thức đặc sản Cao Bằng này đem lại.
Rau dạ hiến hay còn được gọi là rau bồ khai, thường mọc hoang ở vùng núi đá. Đây là loại cây thân dây rất giòn, được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa bám trên cây gỗ để đón ánh sáng mặt trời.
Mỗi dịp mùa xuân và mùa hè, bữa tiệc của người dân nơi đây đều có món rau dạ hiến xào với thịt bò, lòng lợn, lòng gà. Món rau rừng này rất lạ và không giống với bất kì loại rau nào khác.
Khi tiết trời sang thu, người dân Tày – Nùng lại lên rừng hái quả trám để về làm xôi trám. Đây là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người dân Cao Bằng nơi đây.
Trám nấu xôi quả chín mọng, không bị sâu, ngâm nước trong nhiệt độ khoảng 25 đến 30 độC một lúc cho mềm. Lấy phần thịt bỏ hột rồi trộn với xôi đã đồ thật nhuyễn, có màu tím hồng. Bạn sẽ có dịp thưởng thức món xôi trám bổ, béo, vị là lạ này khác so với những loại xôi thông thường khác như thế nào?
Mùa đông Cao Bằng, người ta nghĩ ngay đến Bánh áp chao. Đây là món ăn làm xua tan đi nhanh chóng cơn giá lạnh miền núi.
Thoạt nhìn bạn sẽ thấy giống bánh rán nhưng chỉ cần một hũ bột, nêm gia vị đơn giản với một chảo dầu nóng, lấy từng khuôn đong từng đọt bột, nhúng vào chảo dầu đang sôi thật kích thích sự “thèm thuồng” của bạn.
Món ăn được nhiều người Cao Bằng rất mê, rất nhớ ngay cả khi đi xa. Những ngày đông giá rét Cao Bằng, bạn có thể ghé vào một quán ăn lề đường, gọi 1 suất bánh áp chao và sưởi ấm giá rét. Thật là một cảm giác khó quên.
Phở chua là đặc sản của vùng đất Cao Bằng, góp phần làm phong phú cho nét văn hóa ẩm thực của các tỉnh miền núi phía Bắc. Phở chua với nhiều gia vị, thành phần như thịt ba chỉ rán giòn màu vàng sậm đẹp mắt, khoai tầu (củ to, bở và ngọt chỉ có ở tỉnh Bắc Cạn và Cao Bằng) được cắt sợi chiên giòn, gan lợn cắt mỏng, dạ dày lợn được làm sạch sau đó luộc qua rồi mới đem rán, thịt vịt quay béo tròn, trong bụng tẩm ướp các loại gia vị và đặc biệt không thể thiếu hương vị của lá móc mật. Bánh phở Cao Bằng thơm, dai, khó lẫn với những địa phương khác vì được làm từ gạo Cao Bằng ngọt mà dẻo. Ngoài các nguyên liệu trên, phở chua còn ăn kèm với đậu phộng, rau thơm, húng, mùi, dưa chuột cắt mỏng.
Bí quyết tạo sức hấp dẫn cho phở chua nằm ở nước sốt. Phi thơm hành tỏi rồi lấy nước trong bụng con vịt quay pha một chút dấm, tỏi, đường, nước mắm, sau đó cho chút bột báng để cô sánh nồi lại. Khi thưởng thức trộn đều bát phở nhanh tay nhưng tránh làm nát bánh phở. Tùy khẩu vị mỗi người mà có thể thêm gia vị như ớt, tiêu. Phở chua ăn có vị ngậy của mỡ vịt, vị chua của dấm, bùi của đậu phộng, khoai tầu và gan hòa với vị béo của thịt ba chỉ, thịt quay, mùi thơm của lá móc mật, dẻo dẻo của bánh phở và cay nồng của ớt. Tất cả các hương vị hòa quyện vào nhau đánh thức cảm quan của người dùng. Phở chua là món ăn nguội nên rất được chuộng vào những ngày thời tiết mát dịu.
Phở chua thường được dùng trong các tiệc cưới, cúng giỗ để thực khách ăn được no. Nhưng nay phở chua đã xuất hiện ở nhiều quán ăn hay trong những gian hàng ẩm thực ở các chợ của tỉnh Cao Bằng. Lần đầu tiên thưởng thức, người dùng chưa thể cảm nhận được hết cái ngon và hương vị đậm đà của món ăn, nhưng khi đã quen thì vị thơm ngon của các loại gia vị, chua ngọt của nước sốt và độ dai dẻo của bánh phở sẽ làm bạn nhớ mãi không thể quên.
Lợn sữa quay là món ngon đặc sản Cao Bằng có lớp da vàng rộm, thịt béo ngây, thơm, ngọt gây thương nhớ với tất cả các du khách thập phương khi đến đây. Lợn quay phải là lợn sữa (lợn sữa, lợn nhỡ từ 15 – 30kg). Lợn phải được nuôi bằng rau cỏ nên thịt ngọt, chắc và dai hơn lợn nuôi công nghiệp ở dưới xuôi.
Khi quay lợn người ta sẽ cho một loại lá đặc trưng ở Tây Bắc là lá móc mật được nhồi vào bụng lợn và khâu lại. Đặc trưng nhất là người ta dùng que tre xiên qua thịt chứ không dùng que kim loại như thông thường. Chính điều này đã giúp thịt giữ nguyên được mùi vị trọn vẹn của nó.
Người ta quay lợn trong khoảng 90 phút dưới lớp nhiệt của than củi. Thịt lợn sữa Cao Bằng sau khi quay xong có lớp bì vàng rộm, giòn tan. Thịt ở trong không bị khô mà vẫn ẩm, mọng nước. Ăn kèm với các loại rau sống sẽ giúp mùi vị đỡ ngấy hơn. Đừng bỏ qua nếu bạn có dịp ghé thăm Cao Bằng nhé!
Cao Bằng là nơi nuôi nhiều bò, nhất là các huyện Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm. Có dịp đến vùng đất cao xa vời vợi, thưởng thức đặc sản nơi này, bạn đừng bỏ qua món thịt bò gác bếp. Bò ở Cao Bằng để cày bừa, kéo xe. Bò để thịt cũng nhiều. Trong đó, sấy khô là cách chế biến để bảo quản, dự trữ thịt bò của người dân địa phương, vừa để được lâu lại vừa có hương vị thơm ngon độc đáo.
Thịt bò dùng để sấy khô loại nào cũng ngon, không kén chọn. Nhưng ngon nhất vẫn là loại thịt mông, thịt bắp, vừa nạc vừa mềm. Thịt được xẻ ra thành từng miếng to nhỏ tùy ý. Nhưng thường to chừng hai ba ngón tay, dài chừng gang tay là vừa nhất. Thịt được tẩm ướp bằng muối, nước cốt gừng và đặc biệt không thể thiếu rượu trắng. Trước khi ướp, khía vài đường trên miếng thịt cho gia vị ngấm đều. Ướp xong dùng lạt tre tươi xâu thịt thành từng xâu rồi treo trên gác bếp.
Bánh Coóng phù là món ngon đặc sản Cao Bằng còn được biết đến với tên gọi quen thuộc là bánh trôi. Đây là món ăn vặt ở Cao Bằng cực thích hợp cho những ngày đông lạnh.
Nguyên liệu làm bánh khá đơn giản và dễ chuẩn bị bao gồm gạo nếp, đường, lạc, vừng, gừng. Lạc để làm nhân bánh, gạo nếp xay nhuyễn làm vỏ bánh. Vừng phủ lớp ngoài và gừng, đường để nấu nước cốt chan lên.
Điều làm nên đặc trưng của bánh trôi Cao Bằng đó là bột bánh rất dẻo, mềm và có vị ngọt đặc trưng. Nước đường thơm ngon đạt đến sự hòa quyện của vị ngọt của đường và vị cay của gừng. Mùa đông miền Tây Bắc với khí trời lạnh đến cả dưới 10 độ, trong tay có chén coong phù nóng ấm thì còn gì tuyệt vời hơn.
Không phải món cao lương mỹ vị nhưng mèn mén cũng là một món ngon Cao Bằng làm từ ngô khiến nhiều người khó quên khi chỉ mới nếm thử một lần.
Mèn mén được làm chủ yếu từ hạt ngô tẻ. Ngô sau mỗi vụ thu hoạch sẽ được người dân địa phương phơi thật khô sau đó tách hạt rồi đi rang và giã nhuyễn. Sau đó bột ngô này được trộn với bột gạo và nước thành một hỗn hợp sền sệt sau đó hấp lên. Mèn mén muốn ngon phải hấp 2 lần.
Người H’Mong hay ăn mèn mén trộn với cơm. Lúc này vị ngọt bùi của ngô kết hợp với cơm dẻo ngọt sẽ rất lạ miệng và kích thích vị giác. Ngoài ra, hiện nay người ta còn biến thể mèn mén với nhiều cách ăn mới như hòa vào ăn chung với nước phở và mì. Lưu ý là mèn mén ngon nhất là khi ăn nóng hổi và khi nguội mèn mén có vị hơi chua của bột ngô khi nguội.
Mèn mén là món ăn dân giã mà đã ghé các tỉnh miền núi phía bắc mà bỏ qua là thiếu sót lớn. Món ăn này được bán nhiều ở các phiên chợ hoặc các quán ăn vặt, bạn có thể mua về làm quà cho người thân bạn bè ăn thử.
Mác mật là tên gọi theo tiếng Tày, Nùng, hiểu nôm na là quả ngọt. Cây chủ yếu mọc ở chân núi đá vôi, một số ít trên sườn núi đá và vườn đồi do người dân đem hạt và cây con về trồng; được phân bố ở hầu hết các huyện trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các huyện: Thạch An, Hạ Lang, Quảng Uyên, Hoà An, Thông Nông.
Mác mật là một thứ gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn đặc trưng miền núi, như: Vịt quay, lợn quay… Vào mùa mác mật, các bà nội trợ ai cũng mua mác mật về chế biến các món ăn: cá kho, thịt kho, vịt quay, ninh chân giò, canh thịt băm, măng xào mác mật… Mùi vị thanh tao của quả mác mật đã khử hết mùi tanh của cá, mùi hoi của vịt, giảm bớt mỡ ngấy của chân giò…, tạo nên những món ăn thơm phức, tinh tế và hấp dẫn.
Vừa để ăn chơi và chế biến các món ăn, quả mác mật còn để dành ăn được quanh năm. Quả mác mật đem về dùng kéo cắt sát cuống, sau rửa sạch để cho ráo nước. Củ măng tươi thái lát mỏng, sợi chỉ và một ít ớt tươi, vài lát tỏi, cho vào lọ ngâm với nước muối (có thể ngâm bằng rượu trắng) dùng ăn quanh năm. Mác mật ngâm có đầy đủ vị chua, cay, mặn, ngọt; vẫn giữ được vị chua ngọt và hương thơm đặc trưng, thêm vị chua giòn của măng, vị cay của ớt rất đặc biệt. Món này dùng để khai vị, pha nước chấm, gia giảm vào các món kho hoặc xào… đều rất ngon. Ngoài ra, vào mùa rộ quả, người ta đem về phơi hoặc sấy khô cất đi dùng dần hoặc cho vào khay đá để dùng quanh năm mà quả vẫn giữ được mùi vị thơm ngon.
Cao Bằng còn một đặc sản thuộc loại nổi tiếng, đó là con cá chiên sông Gâm. Loại cá lăng màu đen này vốn được một ông chủ quán chả cá Lã Vọng đánh giá là ngon nhất để làm chả cá. Lòng cá được người sành ăn cho là thứ ngon nhất trên đời.
Cá chiên có con đến vài chục kg, là loại khó bắt vì chuyên sống trong hang ngầm dưới sông. Người đi câu thường đóng cả lán trại thường xuyên để đợi cá, đến khi câu được con nào là có người đến tận chỗ mua.
Đây là loài cá ngon trứ danh ở thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Gọi là cá trầm hương bởi loài cá này thường ăn rễ, lá mục của cây trầm hương mọc ven sông Quây Sơn và Bắc Vọng. Chính vì vậy thịt chúng ngon hơn nhiều loại cá nào khác, khi ăn có thể cảm nhận được vị trầm.
Món ngon nhất từ loài cá trầm hương là nướng, vì giữ nguyên được mùi vị của cá, khiến người sành ăn cũng phải trầm trồ. Cá bắt từ sông, làm sạch, mổ bụng rồi nhét thêm một vài loại rau, gia vị như hành, thì là, ớt… vào bên trong, bọc qua bằng lớp lá chuối rồi cho lên bếp than nướng.
Khi chín, cá tỏa mùi thơm nức. Gỡ miếng cá chấm cùng chút nước mắm nguyên chất, cảm nhận vị thơm ngây ngất, phảng phất vị trầm khiến bạn sẽ nhớ mãi.
Du lịch Cao Bằng ăn ở đâu? Sau đây hãy cùng Hitour khám phá ngay những quán ăn ngon ở Cao Bằng giá cả hợp lý, với muôn vàng món ăn ngon đặc sản nổi tiếng Cao Bằng.
Còn gì tuyệt vời hơn khi du lịch Cao Bằng chốn núi rừng Tây Bắc với gạo trắng nước trong để thưởng thức ngay những đặc sản của người dân nơi đây. Dưới đây là những đặc sản Cao Bằng làm quà ngon nổi tiếng nhất mà bạn nhất định phải thử hoặc mua về làm quà cho người thân bạn bè nếu có dịp đặt chân tới vùng đất này nhé.
Nếu ai đến du lịch Cao Bằng thì không thể nào quên việc mua Lạp sườn về làm quà. Lạp sườn Cao Bằng được chế biến cầu kỳ. Nhân của lạp sườn được làm bằng thịt thăn, thịt vai, được tẩm ướp gia vị, mật ong và không thể thiếu ít rượu trắng, chút gừng và ít quả mắc mật khô xay nhỏ.
Mất khoảng 2,3 ngày phơi khô nắng rồi treo lên bếp lửa, khói và hơi nóng của bếp lửa nhen từ mía cho miếng thịt săn và ngon hơn. Cắn những miếng đầu tiên, cảm nhận hương vị khó quên của Lạp sườn nơi vùng núi Tây Bắc sẽ khiến bạn nhớ hương vị này.
Hạt dẻ Trùng Khánh là thứ quả duy nhất chỉ có ở Cao Bằng. Quả có màu nâu đều, tròn trịa, hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái, có thể chế biến luộc, rang, sấy hay ninh với chân giò, thịt gà mà vẫn giữ được hương vị.
Cứ vào tháng 9, tháng 10 hàng năm là đến mùa thu hoạch. Du khách rồi sẽ “nhớ” tới vị thơm ngon, bùi ngậy nhất của hạt dẻ Trùng Khánh mà họ từng được thưởng thức.
Từ lâu, Cao Bằng nổi tiếng có sản phẩm miến dong đen được làm từ bột dong riềng nguyên chất, ngon. Với sự khéo léo và kinh nghiệm của những người dân nơi đây đã tạo nên những sợi miến bóng, đẹp, giòn, dai và có hương thơm đặc trưng của bột dong mà không sử dụng bất kì loại hoá chất nào.
Trong mâm cỗ ngày Tết, người dân Cao bằng với bát miến được nấu với thịt gà ăn kèm với nấm hương, mộc nhĩ đã là món ẩm thực truyền thống, đậm đà và ấm lòng của người dân vùng nùi nơi đây.
Bánh khảo là một trong những đặc sản Cao Bằng nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng. Mỗi dịp xuân về, bánh Khảo không thể thiếu được trên bàn thờ cúng tổ tiên.
Nguyên liệu làm bánh là loại gạo nếp, ngon, thơm, hạt tròn và mẩy đều. Người dân ở đây dùng đường kính hoặc đường phên để làm bánh khảo. Nhân bánh có vị bùi của lạc, vừng hoà quyện với vị béo ngậy của mỡ heo.
Những người nghệ nhân khéo léo, tỉ mỉ gói thật gọn bánh thành từng phong hình chữ nhật. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị thơm đậm đà của bột nếp, vị ngọt thanh của đường không thể nào quên.
Đông Khê là một địa danh gắn liền với một chiến thắng vang dội của quân và dân ta thời kháng chiến chống Pháp năm 1950 (Chiến dịch biên giới Đông Khê, Cao Bằng – 1950 ). Vùng đất này có điều kiện thời tiết vô cùng thích hợp cho một loại cây trồng cho quả ngọt mát, thơm ngon để trở thành đặc sản trái cây nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Đó là quả lê. Đã từ lâu Lê Đông Khê nổi tiếng ngọt thơm được biết đến là đặc sản Cao Bằng lừng danh khắp chốn. Lê Đông Khê được xem làm sản vật quý của núi rừng là niềm tự hào của người dân Cao Bằng.
Các vùng miền ở Cao Bằng đều trồng mận nhưng huyện Bảo Lạc là địa phương trồng được loại mận ngon nhất. Mận Bảo Lạc khi chín có màu đỏ (được người dân địa phương gọi là mận máu), vỏ nhẵn bóng, to bằng đầu ngón chân cái, khi ăn có vị ngọt dịu. Không chua là đặc điểm riêng biệt của loại mật này.
Sau khi đã khám phá vẻ đẹp của Cao Bằng, ăn ở những quán ăn ngon đầy những món đặc sản thì uống cafe ở đâu view đẹp hay thức uống ở đâu ngon để cho kỳ nghĩ du lịch Cao Bằng được trọn vẹn nhất. Sau đây Hitour sẽ gợi ý cho các bạn top những quán cafe đẹp ở Cao Bằng để bạn tham khảo.
Nếu đã du lịch Cao Bằng, trải nghiệm một ngày rong ruổi chinh phục núi non hùng vĩ sẽ thật là đáng tiếc nếu bạn và người thương bỏ lỡ cảm giác được đắm mình trong không gian của Tộc Cà Phê – quán cafe đẹp ở Cao Bằng đã và đang gây sốt với phượt thủ. Có vô vàn lý do khiến Tộc Cà Phê đủ sức hút trở thành những điểm 'nhất định phải check in' đối với du khách đến vậy!
Nằm ngay trên con phố Kim Đồng, tuyến phố trung tâm nhất của thành phố, đối diện rạp hát ngoài trời, khu vực tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ, bạn có thể dễ dàng tìm thấy Tộc Cà Phê mộc mạc, xinh xắn giữa dãy quán xá rực rỡ sắc màu. Phía ngoài quán được trang trí bởi những dây ngô đậm chất dân tộc. Gam màu từ gạch cũ cùng gỗ khiến cho Tộc Cà Phê trông ấm cúng, rất miền núi và đậm chất cá tính. Phía trong là không gian trưng bày những vật dụng của người dân tộc.
Tới quán Tộc Cafe hẳn là một “thú vui đầy tao nhã” cho những ai thích nhâm nhi cốc cà phê hay món thạch đen cốt dừa làm từ lá thạch đen, một đặc sản không thể bỏ qua của Cao Bằng, đung đưa ngắm nhìn Tháp truyền hình hay đơn giản là đưa ánh nhìn mơ mộng xuống dòng sông Bằng Giang đang lặng lờ trôi. Có lẽ nhờ độ chất trong phong cách trang trí độc đáo mà Tộc Cà Phê ngay từ thời điểm mới khai trương đã nhanh chóng được lọt vào danh sách quán 'nhất định phải đến khi chinh phục Cao Bằng' của các phượt thủ. Một điểm cộng dành cho Tộc Cà Phê là đội ngũ nhân viên trong trang phục độc lạ khá thân thiện và dễ gần.
Địa chỉ: 201 Kim Đồng, P. Hợp Giang, Cao Bằng
Một địa điểm lý tưởng khác dành cho hai bạn vào ngày Valentine đó chính là Ly Eck - Cafe and Fast Food. Chắc chắn, nàng sẽ phải “thích mê” khi đến với quán cà phê vô cùng ấn tượng này đấy. Ly Eck - Cafe được bố trí theo phong cách hiện đại, mỗi góc quán lại có một nét đẹp khác nhau. Nơi đây sẽ mang đến cho hai bạn một không gian riêng hết sức lãng mạn. Đến đây bạn sẽ vô cùng ấn tượng với phong cách thiết kế theo kiểu sang trọng, mang đến những không gian riêng tư rất thích hợp cho các cặp đôi.
Đây là quán cafe đẹp nhất Cao Bằng, là thiên đường sống ảo, view đẹp không tì vết như chụp ảnh cưới với giàn hoa tử đằng lung linh gắn trên trần nhà và ánh nến lung linh vào buổi tối như mê cung huyền bí. Không những thế, giàn đèn thả dây lung linh khắp mọi nơi khiến bạn không thể cưỡng nổi, nhìn là muốn lôi điện thoại ra ngay. Bước vào quán bạn và người ấy sẽ bị choáng ngợp bởi bàn ghế tone màu xanh tươi mới da trời làm bằng đệm như trong cung điện, thêm vào đó đồ uống thì ngon miễn chê, đa dạng và phong phú được trang trí rất đẹp mắt. Vừa uống café vừa nhâm nhi vài cái bánh quy ngọt như phim Hàn Quốc ấy nhỉ. Đảm bảo bạn và người thương sẽ có một buổi hẹn hò mĩ mãn khi đến với Ly Eck - Cafe.
Địa chỉ: Phố Hòa Bình, Quảng Uyên, Cao Bằng
Café Vườn Phố là quán cafe view đẹp ở Cao Bằng, cũng sẽ là nơi rất tuyệt để các cặp đôi chọn làm nơi hẹn hò gặp gỡ, đảm bảo không gian của Café Vườn Phố sẽ tạo cho các bạn những cảm giác thật lãng mạn, nhất là khi bạn và người ấy chọn vị trí ngồi của mình là một bàn gần cửa sổ để có thể cùng tâm sự, nhâm nhi các loại thức uống và nhìn ngắm đường phố từ những ô cửa kính. Café Vườn Phố chính là thiên đường cho các cặp đôi yêu thích hòa mình với thiên nhiên cây cỏ để thưởng thức không khí mát lành. Từng chậu hoa nhỏ, hay những bức tranh được decor vô cùng ăn khớp, khiến cho không gian quán càng trở nên lung linh hơn. Ánh đèn vàng nhấp nháy giúp cho quán ảo diệu và đẹp lên rất nhiều. Café Vườn Phố là thánh địa cho những nàng mê sống ảo. Nếu tới đây bạn nhất định phải sạc đầy pin để có thể chụp ảnh cháy máy nhé.
Đội ngũ nhân viên đông đảo, nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng. Đặc biệt đồ uống và báng ngọt rất ngon, ăn một lần là nhớ mãi. Café Vườn Phố với cái tên thân mật được biết đến là cafe sân vườn, đây là địa điểm cung cấp những thức uống không thể chê vào đâu được, nhẹ nhàng nhưng đầy quyến rũ. Một chiếc menu với không quá nhiều món ăn, đồ uống nhưng bù lại là cái tâm của những người nhân viên đặt vào từng ly nước mang cho khách, là yếu tố khiến hương vị vốn đã tuyệt vời nay càng thêm tuyệt vời hơn. Vậy nên, đây sẽ là một điểm đến tuyệt vời dành cho các cặp tình nhân trong ngày Valentine.
Địa chỉ: 44 Kim Đồng, Hợp Giang, Cao Bằng
Time coffee & tea là quán chuyên kinh doanh các loại thức uống nguyên chất, đảm bảo độ tươi ngon và không gian trải nghiệm đẹp mắt dành cho mọi khách hàng với không gian trong nhà ấm cúng, đầy đủ tiện nghi, thiết kế đẹp mắt, không dừng ở đó quán còn có không gian ngoài trời phục vụ trà chanh vô cùng thoáng mát, sạch sẽ được phục vụ bởi những bạn nhân viên dễ mến, sẵn sàng phục vụ bạn khi bạn cần, hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn những giây phút thư giãn nhất cùng với bạn bè và người thương!
TIME coffee & tea Cao Bằng đã thành công trong việc kết hợp hương vị trà đặc trưng cùng những nguyên liệu hấp dẫn để tạo ra những ly trà thơm ngon, lạ miệng, cũng đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Điểm mạnh của TIME coffee & tea đó là quản trị thương hiệu vô cùng tốt, với nhãn hàng uy tín, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có chuyên môn, phục vụ nhiệt tình, chu đáo, chất lượng sản phẩm vô cùng hoàn hảo. Một điểm cộng của TIME coffee & tea là vị trí quán khá đẹp nằm ở trung tâm, view khá hút mắt, không gian quá được bày trí tinh và đẹp mắt.
Địa chỉ: tổ 6 Bế Văn Đàn, TP Cao Bằng, Cao Bằng
Bạn muốn tìm một quán cà phê có không khí vui tươi, trẻ trung và năng động để trải qua cùng người ấy trong khoảnh khắc Valentine đầy lãng mạn? Vậy thì hãy đến với Home Cafe nhé. HOME Cafe tại Cao Bằng chắc chắn là một nơi nhất định không thể bỏ qua. Không gian tại đây mọi ngóc ngách trong quán đều là những khu vực lý tưởng cho các bạn thỏa sức sáng tạo và chụp ảnh.
HOME Cafe mong muốn đem lại một không gian ấm cúng và thoải mái nhất cho từng người bạn đến với Home Cafe. Quán Home Cafe cũng mong bạn hãy xem HOME Cafe như là nhà của mình, tự do, thoải mái và sáng tạo. Đồ uống tại đây được đánh giá khá tốt, không gian thoáng đãng, nhân viên phục vụ tận tình, nhanh nhẹn... Tất cả chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng trong buổi lễ tình nhân đầy lãng mạn.
Địa chỉ: Số 79 Phố Kim Đồng, P Hợp Giang, TP Cao Bằng
Nếu như các bạn đang thắc mắc không biết du lịch Cao Bằng nên ở khách sạn nào? thì ngay sau đây Hitour sẽ cung cấp danh sách những khách sạn Cao Bằng tốt nhất hiện nay nhé. Những khách sạn này đều được lựa chọn dựa trên các tiêu chí dịch vụ, tiện nghi, vị trí, thái độ phục vụ của nhân viên nên các bạn cứ yên tâm.
Max Boutique Hotel cung cấp chỗ nghỉ 3 sao với sân hiên tại thành phố Cao Bằng. Trong số các tiện nghi của khách sạn này có nhà hàng, lễ tân 24 giờ, dịch vụ phòng cũng như WiFi miễn phí trong toàn bộ khuôn viên. Khách sạn cung cấp các phòng gia đình.
Khách sạn tại Cao Bằng này được trang bị máy điều hòa, truyền hình cáp màn hình phẳng, tủ lạnh, ấm đun nước, chậu rửa vệ sinh (bidet), máy sấy tóc và bàn làm việc. Mỗi phòng đều có tủ để quần áo và phòng tắm riêng. Khách nghỉ tại Max Boutique Hotel có thể thưởng thức bữa sáng kiểu lục địa.
Địa chỉ: 117 Đường Vườn Cam, Thành Phố Cao Bằng
Tọa lạc tỉnh Cao Bằng, Gia Quý Hotel có sân hiên. Các tiện nghi của chỗ nghỉ bao gồm dịch vụ lễ tân 24 giờ, dịch vụ phòng và WiFi miễn phí trong toàn bộ khuôn viên. Khách sạn cũng cung cấp chỗ đỗ xe riêng miễn phí và dịch vụ cho thuê xe máy cho những khách muốn khám phá khu vực xung quanh.
Phòng nghỉ của khách sạn Cao Bằng này được trang bị máy điều hòa, truyền hình cáp màn hình phẳng, tủ lạnh, ấm đun nước, chậu rửa vệ sinh (bidet), máy sấy tóc và tủ để quần áo. Phòng tắm riêng đi kèm vòi sen và đồ vệ sinh cá nhân miễn phí. Khu vực ghế ngồi cũng được trang bị trong phòng. Gia Quý Hotel phục vụ bữa sáng tự chọn hàng ngày.
Địa chỉ: Số 007 Đường Hoàng Đình Giong, Phường Hợp Giang, Thành Phố Cao Bằng, Cao Bằng.
Jeanne Hotel được rất nhiều du khách lựa chọn làm điểm dừng chân khi đến với vùng đất Cao Bằng bởi sự thuận tiện cho việc đi lại và tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà khách sạn này mang lại. Jeanne Hotel là khách sạn tốt tại Cao Bằng sẽ khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy hài lòng. Sự sạch sẽ, thoáng mát và những dịch vụ khách sạn tuyệt vời sẽ khiến bạn chỉ muốn đến mà không muốn rời đi.
Phòng tại Jeanne Hotel Cao Bằng có đầy đủ trang thiết bị tiện nghi phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của bạn. Bên cạnh đó, khách sạn có nhiều phóng với view đẹp, thoáng mát, đem đến trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. Nếu đến với Cao Bằng thì đừng quên ghé qua và trải nghiệm dịch vụ lưu trú tại Jeanne Hotel bạn nhé!
Địa chỉ: 99 Kim Đồng, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Khách sạn Á Đông là khách sạn 2 sao có vị trí tiện lợi do nằm giữa tuyến đường chính đi đến các điểm danh lam thắng cảnh của Cao Bằng. Chính vì vậy, khách sạn Á Đông là một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Các tiện ích dịch vụ của khách sạn Á Đông mà bạn có thể trải nghiệm nổi bật như tắm thuốc bắc, thưởng thức các đặc sản các vùng miền đặc biệt... chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng. Nếu có dịp đến với Cao Bằng, hãy ghé qua khách sạn Á Đông để trải nghiệm dịch vụ lưu trú tuyệt vời tại đây bạn nhé!
Địa chỉ: tổ 6, Ngọc Xuân, TP. Cao Bằng
Sunny Hotel tọa lạc ngay trung tâm thành phố Cao Bằng là một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Sunny Hotel là khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao nên hiển nhiên được trang bị cơ sở vật chất vô cùng hiện đại, mang đến sự thoải mái và thư giãn tuyệt vời. Sunny Hotel giúp cho cho việc tham quan các điểm du lịch, mua sắm và giải trí của bạn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Nếu bạn băn khoăn không biết tìm khách sạn nào tốt ở Cao Bằng để lưu trú thì có thể cân nhắc đến Sunny Hotel. Với chất lượng dịch vụ đảm bảo, Sunny Hotel sẽ đáp ứng tốt nhu cầu cũng như khiến bạn cảm thấy thoải mái, hài lòng.
Địa chỉ: số 040 Kim Đồng, TP. Cao Bằng
Khách sạn Sơn Tùng là khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, tọa lạc ngay giữa trung tâm TP. Cao Bằng. Với vị trí rất tuyệt vời và lý tưởng, cách bến xe 800 m, gần các trung tâm thương mại, khách sạn Sơn Tùng rất phù hợp cho các chuyến đi công tác và tham quan mua sắm... Đội ngũ nhân viên nhiệt tình, chuyên nghiệp của khách sạn Sơn Tùng chắc chắn sẽ đem đến cho bạn sự hài lòng.
Nhìn chung, đây là một trong số những khách sạn ở Cao Bằng có chất lượng tốt, nhận được nhiều đánh giá tích cực từ du khách mà bạn có thể cân nhắc chọn lựa.
Địa chỉ: số 01, tổ 31, Hồng Việt, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Khách sạn Minh Hoàng là một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Tọa lạc ngay trên trục phố chính của thành phố, mặt tiền hướng ra sông Bằng Giang hiền hòa và thơ mộng, khách sạn Minh Hoàng là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách đến lưu trú và du lịch tại Cao Bằng. Phòng nghỉ của khách sạn Minh Hoàng được thiết kế trang nhã, trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, góp phần mang đến sự thoải mái, thư giãn cho bất kỳ ai.
Địa chỉ: số 98 Kim Đồng, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Khách sạn Kim Đồng Cao Bằng chỉ mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2016 những đã trở thành một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Khách sạn Kim Đồng được đánh giá là khách sạn đẹp, sang trọng, phù hợp với đa dạng nhu cầu nghỉ dưỡng của bất kỳ ai. Hệ thống phòng nghỉ của khách sạn đẹp này vô cùng tiện nghi, hiện đại mang đến cho khách lưu trú một không gian nghỉ ngơi hoàn hảo, làm hài lòng cả những người khó tính nhất.
Địa chỉ: số 155 Kim Đồng, TP. Cao Bằng
Khách sạn Bằng Giang Cao Bằng được bao quanh bởi con sông Bằng Giang thơ mộng, ngay cạnh là các trung tâm thương mại, công viên, các tuyến đường dẫn đến những khu du lịch nổi tiếng… tạo điều kiện thuận tiện cho việc tham quan, mua sắm của bạn. Khách sạn Bằng Giang chính là điểm dừng chân vô cùng lý tưởng cho du khách khi đến với thành phố Cao Bằng. Khách sạn Bằng Giang được xây dựng theo phong cách mở, các phòng nghỉ sang trọng, hiện đại, cửa sổ và ban công nhìn ra trung tâm thành phố... Tất cả sẽ mang đến cảm giác thoải mái, không gian thoáng đãng nhưng cũng rất yên tĩnh và riêng tư.
Địa chỉ: số 001 Kim Đồng, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Khách sạn Đức Trung Cao Bằng là một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Khách sạn tốt này tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố Cao Bằng, bao gồm 30 phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Trang thiết bị, vật chất hiện đại, dịch vụ chuyên nghiệp cùng phong cách phục vụ thân thiện, nhiệt tình của đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm tại khách sạn Đức Trung, chắc chắn sẽ mang đến cho du khách một kỳ nghỉ hoàn hảo.
Địa chỉ: số 85 Bế Văn Đàn, TP. Cao Bằng
Khách sạn Hoa Việt Cao Bằng sở hữu 20 phòng và nhà hàng có sức chứa lên tới hơn 120 khách. Tất cả đều được được trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại. Có thể nói, khách sạn Hoa Việt là điểm dừng chân tuyệt vời, thực sự thuận tiện cho những ai đến Cao Bằng thăm quan, nghỉ dưỡng hay công tác. Khách sạn Hoa Việt sẽ mang đến cho bạn bầu không khí thân thiện, các dịch vụ chất lượng, đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp.
Địa chỉ: số 14 Kim Đồng, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Khách sạn Thành Loan Cao Bằng là một trong những khách sạn tốt Cao Bằng được du khách lựa chọn nhiều nhất. Khách sạn Thành Loan 1 đạt tiêu chuẩn 1 sao, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Cao Bằng với an ninh tốt, có vị trí thuận tiện để bạn có thể dễ dàng khám phá Cao Bằng. Khách sạn Thành Loan 2 là khách sạn 2 sao với hệ thống phòng nghỉ thoáng, yên tĩnh, sân vườn rộng rãi, cực kỳ thích hợp với những ai có nhu cầu nghỉ ngơi yên tĩnh. Dù lựa chọn cơ sở nào thì chắc chắn cũng đều là những khách sạn tốt tại Cao Bằng mà bạn không nên bỏ qua.
Địa chỉ: số 131, tổ 23, Hợp Giang, TP. Cao Bằng
Sáng 05h30: Xe và hướng dẫn đón Quý khách tại điểm hẹn khởi hành bắt đầu chương trình Tour du lịch Cao Bằng 2 ngày 1 đêm. 06h30 trên đường dừng chân nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân, ăn sáng (chi phí tự túc). 07h00 Quý khách tiếp tục hành trình đi Cao Bằng qua những cung đường đèo nổi tiếng như đèo Giàng, đèo Gió, đèo Cao Bắc,...
Trưa: Đến Cao Bằng đoàn thưởng thức bữa trưa tại nhà hàng với những món ăn đặc sản của Cao Bằng. Sau đó nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi.
Chiều 14h00: Quý khách tham quan khu di tích hang Pác Pó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm chỗ ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc (08/02/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam với hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, hang Cốc Pó, suối Lê-nin, núi Các Mác, suối Nậm, lán Khuổi Nặm, mốc 108. Đoàn ghé thăm khu di tích anh hùng liệt sỹ Kim Đồng, thuộc Cụm di tích lịch sử cách mạng, nơi ghi nhớ công lao của người Anh hùng và khắc ghi nơi thành lập Đội nhi đồng cứu quốc đầu tiên.
Tối: Đoàn thưởng thức bữa tối tại nhà hàng với những món ngon đặc sản Cao Bằng. Sau đó nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi và tự do tản bộ và tham quan thành phố về đêm, nhâm nhi ly cà phê, hít thở không khí trong lành mát mẻ.
Sáng 07h00: Đoàn dùng bữa sáng, sau đó trả phòng khách sạn. Xe đưa quý khách đi tham quan thác Bản Giốc nằm tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Quý khách cảm nhận được thiên nhiên hùng vĩ cảnh đẹp hữu tình, thác Bản Giốc là một trong ba thác nước tự nhiên 3 tầng đẹp nhất Đông Nam Á. Với những thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn tạo nên một không gian lung linh, huyền ảo. Tiếp chương trình tour là tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Cao Bằng – Nơi phong cảnh hữu tình và là cái nôi của phật pháp thâm thúy. Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc - ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ Quốc.
Trưa: Quý khách dùng cơm trưa tại Bản Giốc, sau đó tự do nghỉ ngơi.
Chiều: Đoàn khởi hành tham quan Động Ngườm Ngao, động đá vôi được hình thành cách đây 300 triệu năm trước Công Nguyên. Cùng với thời gian, những nhũ đá và măng đá đã tạo nên những khung cảnh thật sinh động, kì thú khiến con người phải thán phục, kinh ngạc. 14h30 đoàn lê xe trở về Hà Nội. Trên đường quý khách sẽ dùng bữa ăn nhẹ.
Tối 21h00: Xe đưa đoàn về đến Hà Nội. Kết thúc chương trình Tour du lịch Cao Bằng 2 ngày 1 đêm. Tạm biệt Quý khách và hẹn gặp lại!
Sáng 07h00: Xe và hướng dẫn đón Quý khách tại điểm hẹn khởi hành bắt đầu chương trình Tour du lịch Cao Bằng 3 ngày 2 đêm. Trên đường đi Hồ Ba Bể đoàn sẽ dừng chân nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân, ăn sáng (chi phí tự túc).
Trưa: Đến Hồ Ba Bể đoàn thưởng thức bữa trưa tại nhà hàng với những món ăn đặc sản ngon tại đây. Sau đó nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi tại bản Pác Ngòi.
Chiều 14h00: Đoàn khởi hành tham quan khu du lịch Hồ Ba Bể 1 trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới (xếp hạng bởi UNESCO) - là địa danh nổi tiếng thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tham quan mỗi năm. Người dân gọi Hồ Ba Bể là trái tim xanh của của Vườn quốc gia Ba Bể bởi vai trò điều tiết nguồn nước cho những khu vực xung quanh. Hướng dẫn viên cùng Quý khách bách bộ đến bến thuyền Pác Ngòi để lên thuyền tham quan Hồ Ba Bể vừa thư giãn ngắm cảnh hồ, tự do chụp hình và ghé thăm các điểm sau: Ao tiên rộng hơn 3,000 m2, được bao bọc bởi núi đá vôi và rừng già nguyên sinh, nước ao trong xanh, mát lạnh. Đến Ao Tiên du khách còn được ngắm nhìn những dấu chân trên đá và nghe câu chuyện huyền thoại về chàng thợ săn và bảy nàng tiên nữ. Đảo Bà Góa - một hòn đảo nhỏ xinh xắn nằm ngay vị trí trong tâm của Hồ, gắn liền với sự tích hình thành của Hồ. Thuyền dừng lại ở đảo Bà Góa để Quý khách có thể mặc áo phao và đắm mình trong làn nước trong xanh và mát lạnh của Hồ (Đoàn có khoảng 30 phút tắm hồ). Đền An Mạ Tương truyền, trong chiến tranh phong kiến thời Lê - Mạc, các tướng nhà Mạc đã thất trận, chạy đến Động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Cảm kích tinh thần trung liệt, người dân đã dựng đền thờ họ Mạc, song lo bị quan quân nhà Lê dẹp bỏ nên đã đổi tên thành Đền An Mạ. Hai từ “An Mạ” theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là “mồ yên mả đẹp”, nơi yên nghỉ của các trung thần họ Mạc. 17h00 đoàn trở lại Homestay để tắm rửa, nghỉ ngơi hoặc nhâm nhi ly cafe trong buổi chiều tà.
Tối: Đoàn thưởng thức bữa tối tại nhà hàng với những món ngon đặc sản Ba Bể. Sau đó tự do tản bộ dạo quanh Ba Bể về đêm, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại hoặc nghe biểu diễn hát Then của người Tày (chi phí tự túc)
Sáng 06h30: Đoàn dùng bữa sáng, sau đó trả phòng khách sạn. Xe đưa quý khách khởi hành đi Cao Bằng. Trên đường Quý khách chinh phục liên tục những con đèo với cảnh đẹp của núi rừng như: đèo Gió, đèo Khau Khang, đèo Tài Hồ Sìn, đèo Cao Bắc, đèo Mã Phục,...
Trưa: Quý khách dùng cơm trưa tại thị trấn Quảng Uyên, sau đó tự do nghỉ ngơi.
Chiều: Đoàn khởi hành tham quan Cao Bằng theo trình tự sau: Thác Bản Giốc nằm tại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Quý khách cảm nhận được thiên nhiên hùng vĩ cảnh đẹp hữu tình, thác Bản Giốc là một trong ba thác nước tự nhiên 3 tầng đẹp nhất Đông Nam Á. Với những thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên vô vàn hạt bụi trắng toả mờ cả một vùng rộng lớn tạo nên một không gian lung linh, huyền ảo. Thiền Viện Trúc Lâm Cao Bằng – Nơi phong cảnh hữu tình và là cái nôi của phật pháp thâm thúy. Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc - ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở nơi biên cương phía Bắc của Tổ Quốc. Động Ngườm Ngao, động đá vôi được hình thành cách đây 300 triệu năm trước Công Nguyên. Cùng với thời gian, những nhũ đá và măng đá đã tạo nên những khung cảnh thật sinh động, kì thú khiến con người phải thán phục, kinh ngạc. 14h30 đoàn lê xe trở về Hà Nội. Trên đường quý khách sẽ dùng bữa ăn nhẹ. 17h30 ghé thăm làng rèn dao Phúc Sen nổi tiếng có truyền thống từ rất lâu đời.
Tối 18h30: Về tới Cao Bằng, nhận phòng khách sạn, nghỉ ngơi và ăn tối. Buổi tối tự do khám phá thành phố Cao Bằng về đêm. Nghỉ đêm tại Cao Bằng.
Sáng 06h30: Đoàn dùng bữa sáng, sau đó trả phòng khách sạn. Xe đưa quý khách đitham quan khu di tích hang Pác Pó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm chỗ ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc (08/02/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam với hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, hang Cốc Pó, suối Lê-nin, núi Các Mác, suối Nậm, lán Khuổi Nặm, mốc 108. Đoàn ghé thăm khu di tích anh hùng liệt sỹ Kim Đồng, thuộc Cụm di tích lịch sử cách mạng, nơi ghi nhớ công lao của người Anh hùng và khắc ghi nơi thành lập Đội nhi đồng cứu quốc đầu tiên.
Trưa: Quý khách dùng cơm trưa tại Pác Pó, sau đó tự do nghỉ ngơi và lên xe về Hà Nội.
Tối 18h30: Xe đưa đoàn về đến Hà Nội. Kết thúc chương trình Tour du lịch Cao Bằng 3 ngày 2 đêm. Tạm biệt Quý khách và hẹn gặp lại!